Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,7%).
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% sau 7 tháng |
Theo giá hiện hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2023 đạt quy mô cao hơn nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2023 ước đạt 2.777,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,7% tổng mức và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,9%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 10,1%; may mặc tăng 8,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,6%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 1,7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2023 ước đạt 377,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng mức và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2023 ước đạt 18,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng mức và tăng 53,6% so với cùng kỳ năm trước do tháng Bảy là tháng cao điểm mùa du lịch hè. Doanh thu 7 tháng năm 2023 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước như sau: Đà Nẵng tăng 99,7%; Hà Nội tăng 89,7%; Quảng Ninh tăng 82,5%; Khánh Hòa tăng 75,1%; Hải Phòng tăng 68,1%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 43,5%; Cần Thơ tăng 33,4%; Bình Dương tăng 21,3%.
Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương nhận định, sức mua của thị trường nội địa trong 7 tháng qua đã phục hồi tương đối mạnh mẽ, là điểm sáng tích cực trong bối cảnh nhiều lĩnh vực khác gặp khó khăn. Nhưng nhìn một cách tổng thể, sức mua dù đã khôi phục, nhưng vẫn còn yếu, chưa đạt được bằng mức trước thời điểm dịch Covid-19, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng.
Hơn lúc nào hết, tiêu dùng hàng hóa của thị trường nội địa phải được kích cầu bằng các chính sách hỗ trợ cần thiết, để ngành sản xuất có dư địa phát triển, giảm bớt khó khăn về hàng hóa tồn kho, đọng vốn và tạo dòng tiền.
Tiếp tục giảm thuế để vực dậy sản xuất, kích thích tiêu dùng là giải pháp cần thiết trong lúc này. Mới đây, Chính phủ chính thức trình Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.
Theo các chuyên gia, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% giúp kích thích sức mua của người tiêu dùng trong nước. Động thái này càng cấp thiết, khi từ cuối năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Điển hình là chi phí logistics, nguyên vật liệu, xăng dầu, lãi suất vay tăng cao, kéo theo giá thành sản phẩm tăng 20-30% so với đầu năm 2022.
Dự báo, các lĩnh vực khác của nền kinh tế như xuất nhập khẩu, đầu tư còn chưa hết khó khăn. Trong bối cảnh đó, thị trường trong nước với 100 triệu dân được kỳ vọng tiếp tục là trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn, trong đó tập trung vào các giải pháp chủ yếu như kích cầu sức mua ở thị trường nội địa là cần thiết, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế.