Triển vọng phát triển
Sự tồn tại và phát triển của Cộng đồng ASEAN trong hơn 50 năm qua là minh chứng cho sức sống dẻo dai của một mô hình hợp tác khu vực. Trong đó, sự phát triển của ASEAN dựa trên những thành tựu đã đạt được và vai trò quan trọng của ASEAN đối với từng nước thành viên, đối với khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là khu vực Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương, qua thời gian đã tạo dựng nên bản sắc và vai trò trung tâm của ASEAN.
Tại Hội thảo "Cộng đồng ASEAN: Bản sắc và vai trò trung tâm", Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới và khu vực nhiều biến động, bất trắc, việc khẳng định bản sắc ASEAN và đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN trở thành hai nhiệm vụ thiết yếu đối với cộng đồng; cần có sự tham gia tích cực của tất cả các nước thành viên, được thực hiện tốt ở cả cấp độ khu vực giữa các Chính phủ và cấp độ quốc gia giữa các bộ, ngành, địa phương của từng nước thành viên.
Hiện, ASEAN đang phải xử lý mối liên hệ giữa quốc gia và khu vực, giữa khu vực với xuyên khu vực, quốc tế. Vì vậy, ông Natalegawa - cựu Ngoại trưởng Indonesia - khuyến nghị, ASEAN cần tận dụng các cam kết, cơ chế sẵn có trong khu vực và có chính sách cụ thể để thực thi các tầm nhìn của mình, thể hiện vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực. "ASEAN có thể đóng vai trò nòng cốt trong một mô hình tương tự Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tăng cường các cơ chế xử lý khủng hoảng trong khu vực. Hai giải pháp này có thể giúp ASEAN có những đóng góp thực chất hơn"- ông Natalegawa cho hay.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, ASEAN phải nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng nội khối. Song song với đó, ASEAN đẩy mạnh hơn nữa mô hình chuyển đổi phát triển, thích ứng với mô hình mới bởi tài nguyên không còn nhiều, lao động "tuổi vàng" cạn dần, biến đổi khí hậu khắc nghiệt.
Hướng tới Năm chủ tịch ASEAN
Từ khi gia nhập ASEAN đến nay, Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu. Theo ông Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao, "không chỉ đề xuất và thực hiện các sáng kiến ASEAN, Việt Nam còn hết sức coi trọng việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của các cơ quan và người dân trong nước về hiệp hội và nhất là về Cộng đồng ASEAN".
Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN. Đây là vinh dự nhưng là một trọng trách nặng nề, bởi làm sao để khởi xướng, dẫn dắt được các biện pháp hiệu quả để ASEAN ngày càng gắn kết trong một bản sắc chung và ngày càng tự cường với khả năng thích ứng cao trong một thế giới nhiều biến động.
Ông Peter Girke - Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ KAS tại Việt Nam - nhận định, đây sẽ là năm rất bận rộn với Việt Nam, không chỉ vì Việt Nam sẽ trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mà còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN đầy khó khăn.
Ông Lê Hải Bình - Phó giám đốc Học viện Ngoại giao - cho rằng, khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cần làm sao khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong xu thế dịch chuyển địa chính trị như hiện nay. Kể cả không đóng vai trò Chủ tịch, Việt Nam cũng phải nỗ lực đóng góp để ba trụ cột kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ASEAN vững chắc.
Trong Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025, mục tiêu hàng đầu của các nước ASEAN là xây dựng một cộng đồng lấy người dân làm trung tâm, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất giữa các nước thành viên. |