CôngThương - Người Trung Quốc cũng làm bánh đậu xanh. Tuy nhiên, khi có mặt ở thị trường Trung Quốc, bánh đậu xanh của Việt Nam vẫn chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Trung Quốc vì phong vị rất riêng.
Ông Hoàng Trí Hồng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Cố Hương (Quảng Tây-Trung Quốc) say sưa kể về quá trình thành lập công ty; việc ông và một người bạn Việt Nam tâm huyết xây dựng nhà máy, tiếp thị sản phẩm.
Việc làm ăn của ông Hoàng Trí Hồng bắt nguồn từ tình bạn với một người Việt Nam tên là Vũ Tiến Bình- Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vạn Lộc (Hải Dương). Ông Hồng đã có nhiều dịp sang Việt Nam, thăm xưởng sản xuất bánh đậu xanh của ông Bình ở Hải Dương và thưởng thức đặc sản này. Thế nhưng, phải đến năm 2009, hai người mới có kế hoạch và bắt tay triển khai dự án xây dựng một nhà máy tại Trung Quốc chuyên sản xuất bánh đậu xanh phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc và xuất khẩu sang một số thị trường.
Giấy phép đầu tư ra nước ngoài của Vạn Lộc được Bộ Kế hoạch-Đầu tư cấp vào năm 2009. Hai bên đặt tên cho công ty là “thực phẩm Cố Hương” và thống nhất đặt nhà máy ở Khu công nghiệp Thanh niên ASEAN, thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là KCN mới thành lập nên các DN đến đầu tư, làm ăn nhận được nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm, an toàn phòng cháy chữa cháy ở Trung Quốc khá nghiêm ngặt nên phải đến cuối năm 2012, nhà máy mới chính thức đi vào hoạt động và sản xuất lô bánh đầu tiên.
“Giống như đón đứa con đầu lòng, tôi rất hồi hộp chờ đón xem mẻ bánh đầu tiên sẽ như thế nào. Anh Bình và các công nhân làm bánh người Việt Nam cũng hồi hộp không kém tôi. Bởi lẽ, công thức làm bánh đậu xanh ở Trung Quốc không còn giống ở Việt Nam nữa. Các bạn mang sang đây một phong cách làm bánh mới của người Việt Nam để chiều lòng khách hàng Trung Quốc, nhưng vẫn phải có hương vị bánh đậu xanh Việt Nam trong đó” – ông Hồng chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Hiến – một thợ làm bánh lành nghề từ Việt Nam mang theo công thức làm bánh của Vạn Lộc sang Trung Quốc cho biết: “Tôi phụ trách từ khâu luộc đậu, rang, sát vỏ, nghiền đậu, trộn đường và các bí quyết khác. Tôi vẫn lấy cơ sở làm bánh đậu xanh Việt Nam làm chuẩn, có điều chỉnh một chút cho phù hợp với khẩu vị của người Trung Quốc”.
Dây truyền sản xuất của Cố Hương hiện tại là bán tự động nên công suất khá cao lại không cần nhiều lao động, xưởng chỉ duy trì khoảng 30 lao động. Bí quyết, kỹ thuật làm bánh phía Việt Nam vẫn nắm giữ.
Ông Hồng cho biết, Nhà máy được triển khai ở vị trí địa lý thuận lợi, môi trường sinh thái rất tốt. Bánh đậu xanh được người dân ở các địa phương như Triết Giang, Hàng Châu, Thượng Hải rất yêu thích. Trước kia, chủ yếu tập trung tiêu thụ ở Hồ Nam, Hồ Bắc, mỗi tháng tiêu thụ được khoảng 30 tấn. Đến nay, thị trường tiêu thụ đã được mở rộng hơn rất nhiều, có mặt ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc Trung Quốc. Khách du lịch Trung Quốc đến Pò Chài đã coi bánh đậu xanh là một đặc sản để mua về làm quà biếu. Đây là niềm vui và cũng là niềm tự hào của ông Hồng, ông Bình và những người công nhân làm bánh ở Cố Hương.
Chị Lang Thần (một khách hàng người Trung Quốc) ở Quảng Tây, khi được thưởng thức cả hai loại bánh đậu xanh mang từ Việt Nam sang và sản xuất ở Cố Hương đã cho nhận xét: “Tôi thích hương vị của cả hai loại bánh này. Tôi cũng khá nhiều lần được ăn bánh đậu xanh mang từ Việt Nam sang. Bánh đậu xanh sản xuất ở Trung Quốc có hương vị khá mới mẻ nhưng lại rất gần gũi, thân thiết với khẩu vị của người Trung Quốc”.
Giải thích về sự khác biệt hương vị bánh đậu xanh Trung Quốc, ông Bình cho biết, lượng đường trong bánh ít đi nên bánh khá dẻo. Còn bánh đậu xanh ở Việt Nam thì lượng đường nhiều hơn, nên bánh tơi và ngọt sắc.
Dịp Tết năm nay, do Chính phủ Trung Quốc siết chặt công tác phòng chống tham nhũng nên lượng quà biếu tiêu thụ hạn chế. Chính vì thế, dòng sản phẩm cao cấp của Cố Hương gần như không tăng thêm sản lượng. Còn hàng bình dân thì vẫn tiêu thụ bình thường bởi người Trung Quốc cũng có phong tục như người Việt Nam phải mua sắm, tiêu dùng dịp Tết nguyên đán. Giá một hộp bánh cao cấp có trọng lượng 450g bán ở thị trường Trung Quốc khoảng 35 nhân dân tệ (tương đương 105.000 đồng Việt Nam).
“Hiện tại, nếu làm hàng bình dân thì dễ bán nhưng sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm bánh đậu xanh cùng loại nhập từ Việt Nam sang. Chính vì thế, định hướng của Cố Hương là tập trung vào làm hàng chất lượng cao” – ông Bình cho biết./.