Bánh trung thu vào đường đua sớm
Còn 2 tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng các thương hiệu bánh trung thu thuộc tốp tiêu thụ mạnh tại Việt Nam đều đã tung hàng ra thị trường đồng thời tích cực chào hàng đến các cơ quan, doanh nghiệp (DN).
Ồ ạt đẩy hàng
Từ cuối tháng 7, bánh trung thu đã được rao bán trên các nền tảng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử. Đến đầu tháng 8, trên nhiều tuyến đường tại TP HCM như Ba Tháng Hai (quận 10), Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), Bình Quới (quận Bình Thạnh), Trường Chinh (quận Tân Bình), Hải Thượng Lãn Ông (quận 5)…, nhiều gian hàng bánh trung thu đã được dựng lên để phục vụ những vị khách mua bánh sớm. Tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và các cửa hàng bakery, bánh trung thu đang được ưu tiên vị trí đẹp, trưng bày bắt mắt.
Bất chấp sức mua thị trường vẫn còn ở mức thấp, các nhà sản xuất, kinh doanh đều tăng sản lượng và chủng loại bánh. KIDO dự kiến tăng 50% sản lượng bánh trung thu so với năm 2022. Ông Trần Lệ Nguyên, CEO Tập đoàn KIDO, cho biết năm 2022, hơn 300 tấn bánh trung thu KIDO đã cháy hàng trước thềm trung thu nên năm nay tập đoàn tự tin đặt mục tiêu 450 tấn. KIDO đồng thời đang chạy nước rút để đạt mục tiêu nắm giữ vị trí số 2 thị trường Trung thu sau 3 năm theo định hướng đã đề ra từ năm 2022.
Thương hiệu bánh trung thu Đại Phát cũng tăng sản lượng, dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 3,3 triệu cái bánh trung thu phong cách Đài Loan. Một thương hiệu mới toanh là Orion của Chocopie cũng vừa tham gia thị trường sau 18 năm có mặt tại Việt Nam với nhiều dòng sản phẩm phân khúc trung và cao cấp. Sản phẩm bắt đầu xuất hiện tại các siêu thị, trung tâm thương mại, kênh trực tuyến và 63.000 cửa hàng, ki-ốt trên toàn quốc. Orion còn thiết kế riêng bộ sản phẩm quà tặng dành cho khách hàng doanh nghiệp.
Thương hiệu bánh trung thu ABC Bakery cũng công bố tăng sản lượng khoảng 30%. Dự kiến, 10.000 cái bánh trung thu sẽ được ABC Bakery bán ra thị trường trong năm nay dưới thương hiệu ABC lẫn nhiều thương hiệu khác mà ABC đang gia công sản xuất.
Nhiều thương hiệu bánh trung thu bắt đầu lên kệ |
Áp lực cạnh tranh lớn
Năm nay, bên cạnh cuộc chạy đua ở kênh bán hàng trực tiếp ở siêu thị, cửa hàng, kênh phân phối tích hợp của các DN, gian hàng, cơ quan, xí nghiệp…, các nhà sản xuất, kinh doanh bánh trung thu còn cạnh tranh nhau trên các trang thương mại điện tử, ứng dụng giao hàng nhanh như Shopee, Lazada, Tiki, Grab, Shopee Food… Các nền tảng truyền thông mạng xã hội (Facebook, TikTok, Instagram…), landing page, digital… cũng được tận dụng để bán hàng.
Thị trường bánh trung thu năm nay được dự báo là rất cạnh tranh bởi ngoài các thương hiệu quen thuộc, thị trường còn có sự tham gia của nhiều thương hiệu bánh nhập khẩu và các loại bánh "nhà làm". Trong đó, các chủ tài khoản kinh doanh trên Facebook, Zalo, TikTok… đang thu hút một bộ phận khách hàng thích sử dụng bánh tươi, không chất bảo quản, bánh trung thu thân thiện với sức khỏe…
Các nhà sản xuất, kinh doanh bánh trung thu dự báo sức mua mặt hàng mùa vụ này trong năm nay sẽ hạn chế do kinh tế khó khăn. Do đó, dù giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá bánh trung thu truyền thống của các thương hiệu nổi tiếng quen thuộc như Kinh Đô, KIDO, ABC, Grival, Như Lan, Đồng Khánh, Đại Phát… tăng nhẹ so với năm 2022. Trung bình, giá bán dao động trong khoảng 120.000 - 150.000 đồng/hộp 2 bánh, 350.000 - 500.000 đồng/hộp (loại bánh 120 g) và vài triệu đồng/hộp bánh cao cấp, tùy thương hiệu.
Hiện các DN đang tích cực chào hàng đến các công ty, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị với mức chiết khấu hấp dẫn và một số ưu đãi khác. Tuy nhiên, theo ABC, nhiều đối tác trước đây đặt bánh, năm nay đã ngưng hoạt động, nên DN mất đi một lượng khách hàng cũ.
Xu hướng tiêu dùng bánh trung thu đang thay đổi cũng là vấn đề các nhà sản xuất rất quan tâm. Đại diện Tập đoàn KIDO cho biết nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng hiện đại và năng động hơn nên xu hướng thưởng thức bánh trung thu cũng theo phong cách mới. Nhiều khách hàng không chỉ quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm mà còn mong muốn có thêm nhiều trải nghiệm mới. Vì vậy, đáp ứng nhu cầu này, các nhà sản xuất đều tập trung làm mới bao bì, mẫu mã, nhất là đối với dòng sản phẩm cao cấp nhằm góp phần nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.
Nguyên liệu làm bánh tăng giá Các cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh tại khu vực quận 5, quận 6, TP HCM đã bắt đầu đông khách. Theo nhân viên cửa hàng Sanh Ký (quận 5), thị trường có sẵn nhiều loại bột, nhân bánh trung thu và các loại hạt, mứt, lá chanh đã tách vỏ hoặc thái nhỏ. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng làm bánh thủ công thích mua nguyên liệu thô về tự phối trộn, làm bánh. Giá các loại mứt, hạt, đậu xanh, đậu đỏ, trứng vịt muối… làm nhân bánh trung thu đã tăng nhẹ so với đầu tháng 7. |
Bánh trung thu không dùng bột mì Nổi tiếng với các sản phẩm bánh không sử dụng bột mì tại TP HCM, tiệm bánh In’joy (quận 3, TP HCM) đang bán một số mặt hàng bánh trung thu không sử dụng bột mì. Vỏ bánh được làm bằng bột gạo phối trộn với một số loại bột khác. Chị Tạ Thanh Thủy, chủ tiệm In’joy, cho biết mùa trung thu năm 2022, tiệm bán ra hơn 10.000 cái bánh trung thu không bột mì, quy cách 70-80 g/bánh, hộp 4 hoặc 6 cái. Năm nay, kinh tế khó khăn, khách hàng không đòi hỏi những loại bánh quá đặc biệt mà quan tâm nhiều đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. "Tiệm đã nhận đặt hàng khoảng 200 hộp, đa số là từ những khách hàng đã dùng qua sản phẩm trong năm trước" - chị Thủy nói thêm. |