Báo Campuchia đánh giá cao kết quả chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia. |
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, trong hai ngày 6-7/10, các báo Campuchia đã liên tục đăng tải thông tin về chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tới Việt Nam trong hai ngày 4-5/10; nội dung chính phát biểu của Thủ tướng Hun Sen và các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam; kết quả và toàn văn tuyên bố chung Campuchia-Việt Nam.
Các báo nhấn mạnh Việt Nam đã tổ chức lễ đón Thủ tướng Hun Sen một cách trọng thị, nồng ấm, gần gũi, thân tình và chu đáo; khẳng định chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen đến Việt Nam lần này là nhằm củng cố và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa hai nước vốn có truyền thống tốt đẹp kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao hơn 50 năm qua.
Trong chuyến thăm lần này, hai bên đã ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền.
Báo Phnom Penh Post có bài viết tựa đề “Hiệp định biên giới đảm bảo cho hòa bình và phát triển,” trong đó dẫn lời Thủ tướng Hun Sen ca ngợi thỏa thuận ký hôm 5/10 ở Hà Nội là một bước tiến mạnh mẽ hướng tới việc giải quyết hoàn toàn vấn đề biên giới Campuchia-Việt Nam và đảm bảo hòa bình, phát triển dọc biên giới hai nước cho các thế hệ mai sau.
Tờ báo dẫn nhận định của Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế Campuchia Kin Phea cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen tới Việt Nam đã góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam, trong đó có lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Cũng theo ông Kin Phea, việc hai chính phủ có thêm một thỏa thuận về phân định đường biên giới sẽ giúp giải quyết các vấn đề biên giới của hai bên.
Báo Khmer Times ngày 7/10 chạy dòng tít lớn trên trang nhất “Tiến bộ trong vấn đề biên giới” và dẫn thông cáo chung Việt Nam -Campuchia khẳng định: “Đây là dấu mốc lịch sử trong tiến trình giải quyết biên giới đất liền giữa hai nước.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen xem một số hình ảnh trưng bày tại Hội nghị. |
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh trong buổi họp báo sau lễ ký kết rằng cả hai nước đã rất nỗ lực để phân định biên giới, đồng thời kêu gọi chính quyền các địa phương và nhân dân hai nước cùng đoàn kết để bảo vệ các cột mốc biên giới, xây dựng đường biên giới Campuchia-Việt Nam thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo cho cả hai nước, vì lợi ích của hai quốc gia và dân tộc.
Báo Khmer Times dẫn lời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đánh giá văn bản ký kết nói trên là “thỏa thuận lịch sử,” đồng thời tái khẳng định Campuchia và Việt Nam là những người bạn thân thiết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hai bên sẽ xây dựng đường biên giới Việt Nam-Campuchia thành khu vực ổn định, hòa bình và phát triển bền vững.
Đối với khoảng 16% đường biên giới còn lại chưa được phân giới cắm mốc, lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc để sớm hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên toàn tuyến, trên cơ sở sự hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Về vấn đề Biển Đông, các cơ quan truyền thông Campuchia cho biết hai bên đã nhất trí rằng tình hình căng thẳng ở Biển Đông hiện nay cần sớm được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Hai bên cũng nhắc lại lập trường của ASEAN về Biển Đông nêu tại các tuyên bố chung gần đây, đặc biệt là Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52).
Về quan hệ hợp tác và đầu tư, báo chí Campuchia cho biết hai bên đã ký kết bảy văn kiện hợp tác quan trọng, góp phần củng cố và đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.
Hai bên bày tỏ lạc quan và tin tưởng rằng, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa hai nước sẽ đạt trên 5 tỷ USD trong năm 2019 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Theo Thủ tướng Hun Sen, tiềm năng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước có thể lên đến trên 10 tỷ USD.