Báo chí đồng hành cùng những thành công của ngành Công Thương
Tin hoạt động 18/06/2018 16:35
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì buổi gặp mặt |
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, ngành Công Thương phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đặt ra cho Bộ hết sức nặng nề, từ công tác xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch cho tới công tác sắp xếp, tái cơ cấu phải được thực hiện khẩn trương, hiệu quả. Đặc biệt là Bộ phải tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn. Đây là những việc không hề dễ dàng nhưng Bộ Công Thương đặt quyết tâm thực hiện thành công.
Các “điểm sáng” của ngành Công Thương thể hiện ở rất nhiều mặt như kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 200 tỷ USD, đạt 213,7 tỷ USD; tốc độ tăng chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp cả năm 2017 đạt 9,4%; chỉ số IIP nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 14,5%...
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5/2018 ước tính tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó ngành khai khoáng giảm 7,6%, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,1%, sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%, cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,2%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng 6,6% của cùng kỳ năm 2017.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải |
Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, Bộ Công Thương được đánh giá là một trong những Bộ đi đầu trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Đợt cắt giảm đầu tiên được thực hiện vào tháng 12/2016 theo Quyết định số 4846 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, đã có 123/443 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi Bộ quản lý được đơn giản hóa, bãi bỏ. Chưa dừng lại ở đó, năm 2017, với Quyết định 3610a/QĐ-BCT, Bộ Công Thương tiếp tục đi đầu trong công cuộc đổi mới cải cách và đã thực hiện vượt mục tiêu đề ra khi cắt giảm và đơn giản hóa tới 183/451 thủ tục của Bộ tại thời điểm năm 2017. Bên cạnh đó, Bộ cũng cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện kinh doanh, tương đương 55,5% tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Tiếp đó, theo quyết định số 1408/QĐ-BCT ngày 27/4/2018 của Bộ Công Thương, “cuộc cách mạng thủ tục, giấy phép con lần thứ 3” bãi bỏ, đơn giản hóa 54 thủ tục hành chính đã tiếp tục khẳng định sự quyết liệt của Ban cán sự Đảng nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
“Phải khẳng định rằng, những thành tựu của ngành Công Thương có được một phần nhờ vào sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan báo chí truyền thông. Những năm qua, báo chí tuyên truyền luôn là công tác được Bộ Công Thương coi trọng. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh luôn quán triệt, các Đơn vị trong Bộ, đầu mối là Văn phòng Bộ phải cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan thông tấn báo chí”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Đơn cử, hoạt động CCHC của Bộ không chỉ nhận được sự quan tâm của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân… Để CCHC đạt hiệu quả cao, không thể không kể đến vai trò của các cơ quan báo chí trong việc kịp thời tuyên truyền sâu rộng các quyết định cắt giảm này. Nhiều cơ quan báo chí đã có các loạt bài, các bài viết chuyên sâu, phân tích rõ ràng hiệu quả to lớn của việc cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh của Bộ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn, báo chí đã giúp những chỉ đạo của Bộ Công Thương được thực thi tốt hơn, giúp dư luận hiểu rõ hơn và đồng thuận với những chỉ đạo đó. Nhiều lĩnh vực được Bộ Công Thương quản lý như xăng dầu; sản xuất, phân phối, điều hành giá điện… luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của các cơ quan truyền thông. Nhờ sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, lộ trình đưa các sản phẩm này vận hành theo giá thị trường đã nhận được sự đồng thuận của dư luận.
“Thay mặt tập thể cán bộ công nhân viên toàn ngành Công Thương, xin gửi sự tri ân sâu sắc đến sự đóng góp của các cơ quan thông tấn báo chí với ngành Công Thương trong thời gian qua. Mỗi người một lĩnh vực, bằng sự cố gắng của mình đã nỗ lực chia sẻ với những khó khăn của ngành Công Thương. Chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa trong việc nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ giao cũng như hỗ trợ tối đa cho công tác báo chí”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Trong năm 2018, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu GDP tăng trưởng từ 6, 5- 6,7%. Để đạt con số này, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng ở 3 lĩnh vực quan trọng: Khai thác dầu thô, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất điện. “Dù đã có nhiều thành tựu trong thời gian qua nhưng đó cũng là những lĩnh vực còn nhiều khó khăn, đặt ra áp lực nặng nề với Bộ Công Thương trong thời gian tới. Sự đồng hành, sẻ chia của các cơ quan báo chí sẽ góp phần giúp Bộ Công Thương hoàn thành mục tiêu này”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với báo chí, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, rộng rãi và chính xác để đông đảo nhân dân biết, hiểu và đồng tâm cùng ngành Công Thương khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, góp phần vào tăng trưởng kinh tế cả nước, phấn đấu đến năm 2022, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển.
Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, giải đáp các câu hỏi, thắc mắc, trao đổi của phóng viên thường xuyên, liên tục thông qua nhiều kênh thông tin đa dạng. Không chỉ lãnh đạo Bộ trực tiếp trả lời, với những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm, chúng tôi cũng yêu cầu các Cục, Vụ chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.
Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt |
Nhà báo chia sẻ, góp ý về công tác truyền thông của Bộ Công Thương |
Tại buổi gặp mặt, nhiều nhà báo cũng đã chia sẻ, góp ý về công tác truyền thông của Bộ Công Thương trong thời gian qua cũng như mong muốn Bộ tạo điều kiện trong những hoạt động sắp tới. Đơn cử như nhà báo đến từ Thông tấn xã Việt Nam đề xuất, Bộ Công Thương cần tập trung khôi phục các cuộc họp báo thường kỳ cũng như tăng cường thông tin chính thống đối với các cơ quan báo chí.
Hay phóng viên báo điện tử Zing.vn, đề nghị thời gian tới, Bộ tổ chức thêm nhiều chuyến đi thực tế tại các nhà máy, dự án của ngành quản lý để giúp các phóng viên có thể hiểu rõ thêm về hoạt động của các đơn vị, từ đó truyền tải đến độc giả những thông tin trung thực nhất.
"Bản thân đã đi thực tế cùng với Bộ tới nhà máy Đạm Ninh Bình, phải nói rằng cảm nghĩ của tôi sau chuyến đi thực tế mới cảm nhận được hết những vất vả, cùng với sự vào cuộc có tâm, hết mình của Ban lãnh đạo nhà máy, chắt chiu từng đồng đề vì mục đích chung của nhà máy" - Phóng viên báo Zing chia sẻ.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nhà báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phục hồi lại các cuộc họp báo thường kỳ, một quý một lần. Ngoài ra, nếu có thông tin, vấn đề liên qua đến ngành Công Thương, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để làm rõ vấn đề. Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các nhà báo tác nghiệp, cũng như cung cấp thông tin.