CôngThương - Thực hiện nuôi cá tra theo một quy chuẩn nghiêm ngặt bắt đầu từ nguồn giống, nguồn thức ăn, nguồn nước, các khâu xử lý môi trường... đã khiến con cá tra của Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn sạch. Các đơn vị nuôi cá tra cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đang tích cực thực hiện theo tiêu chuẩn của EU và của thế giới để đảm bảo cá tra Việt Nam là an toàn và chất lượng.
Để đảm bảo vệ sinh an toàn cho sản phẩm cá tra của Việt Nam, từ khâu nguyên liệu đầu vào đến quá trình chế biến bảo quản phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ NN&PTNT. Các điều kiện đó bao gồm: quản lý các yếu tố đầu vào trong nuôi cá tra, quản lý môi trường,…
Trong quy trình sản xuất cá tra sạch, việc quản lý sử dụng thuốc thú y, chế phẩm sinh học và các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường đều phải được kiểm soát chặt chẽ. Các loại hóa chất và sản phẩm cải tạo môi trường cho các cơ sở nuôi cá tra đều nằm trong danh mục các sản phẩm được phép sử dụng và không gây hại cho môi trường.
Trung bình để sản xuất 1 tấn cá tra nguyên liệu, người nuôi cá sử dụng 5 kg vôi, 0,27 kg vitamine C, 0,15 kg các loại sản phẩm có chứa kháng sinh và 0,33 kg các sản phẩm khác như vitamin, enzyme, probiotics và hóa chất khác như khoáng chất, muối, yuca… Ngoại trừ chlorine, hầu hết các hóa chất khác, probiotics, enzyme and vitamine đều không nằm trong danh mục hóa chất gây ô nhiễm môi trường hoặc danh mục cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản hoặc danh mục những chất có hàm lượng chất tồn dư tối đa được phép trong thịt, cá của EU.
Các doanh nghiệp, công ty nuôi cá tra quy mô lớn đã dành diện tích xây dựng hệ thống xử lý nước thải để xử lý nước thải ao nuôi trước khi xả ra môi trường; các nông hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ hiện nay đang được quy hoạch để xây dựng hệ thống xử lý nước thải công cộng và không xả trực tiếp ra môi trường bên ngoài. 100% các cơ sở nuôi đều sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi.
Hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường với các trạm quan trắc được bố trí theo các tiểu vùng sinh thái ở sông Tiền và sông Hậu. Theo kết quả quan trắc từ năm 2003 - 2008 của Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II thì các chỉ số (chỉ tiêu đánh giá ô nhiễm hữu cơ) nằm trong giới hạn cho phép đối với nguồn nước nuôi thủy sản (tiêu chuẩn ngành). Cho đến năm 2008 diện tích nuôi cá tra tăng (6.100 ha), sản lượng cá tra tăng (1,2 triệu tấn) nhưng các chỉ tiêu trong nguồn nước sông Tiền, sông Hậu không có xu hướng gia tăng; chất lượng nước ở đầu nguồn, giữa nguồn và cuối nguồn luôn nằm trong giới hạn của các chỉ tiêu đánh giá.
Chính vì thực hiện nghiêm túc những tiêu chuẩn thị trường tiêu thụ cá tra của Việt Nam ngày càng rộng mở. Đến nay đã có trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới tiêu thụ cá tra của Việt Nam.