Ẩn hoạ việc học sinh lên mạng học cách làm pháo nổ dịp Tết cổ truyền Cận Tết, hàng tấn pháo nổ trái phép bị Công an thu giữ Bé trai bị dập nát bàn tay, thương tích nặng do tự chế pháo |
Liên tiếp xảy ra tai nạn
Ngày 14/1, thông tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, trong tuần qua liên tiếp tiếp nhận nhiều ca nhập viện do tự chế pháo nổ.
Điển hình là trường hợp bệnh nhi P.T.N. (14 tuổi, ở Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng tay phải có vết thương dập nát ngón III-V, vết thương phần mềm bàn tay.
Theo lời kể gia đình, do tò mò, N. đã sử dụng pháo và bị tai nạn khi đang cầm trên tay dẫn đến dập nát bàn tay. Sau tai nạn, bệnh nhân vào bệnh viện tuyến dưới sơ cấp cứu và được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng tay phải có vết thương dập nát ngón III-V, vết thương phần mềm bàn tay. Các bác sĩ đã mổ cấp cứu tạo mỏm cụt chỏm xương bàn ngón III-V, cắt lọc khối cơ dập nát, cố định xương bàn ngón I tay phải.
Bác sĩ khám và điều trị cho bệnh nhân bị tai nạn do pháo nổ |
Trường hợp khác là nam bệnh nhân ở Quảng Ninh chuyển tuyến đến trong tình trạng vết thương dập nát phức tạp, mặt gan bàn tay phải bờ nham nhở, bẩn, đáy sâu, đụng dập, tụ máu nhiều phần mềm, trật hở khối tụ cốt; gãy trật khớp bàn ngón I, các búp ngón còn căng, vết thương bàn tay trái, vết thương thành bụng. Bệnh nhân được bác sĩ kịp thời phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương.
Theo ThS.BS Lưu Danh Huy - Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, đa phần các bệnh nhân bị tai nạn do pháo tự chế đều nhập viện cấp cứu trong tình trạng vết thương bẩn, nguy cơ nhiễm trùng cao. Tỷ lệ cụt ngón bàn tay do tai nạn này rất cao. Ngoài ra còn gây ra các tổn thương khác, như phần mềm, da, gân, ngón tay và thần kinh.
Trước đó ngày 10/1, nam sinh 12 tuổi (ở Quảng Ninh) được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng dập nát bàn tay. Người nhà cho biết, bệnh nhân bị tai nạn do pháo nổ trong lúc đang tự chế pháo. Ngay sau băng cầm máu ở tuyến trước, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện 108, được phẫu thuật xử trí vết thương kỳ đầu theo nguyên tắc xử trí vết thương hỏa khí.
Kíp phẫu thuật đã xử trí cắt lọc tổn thương, găm đinh cố định các ngón và để ngỏ tổn thương. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, thay băng chăm sóc và khâu vết thương, đồng thời ghép da làm liền vết thương. Khi vết thương liền da ổn định, bệnh nhân sẽ được khám xét lại, để thực hiện tiếp phẫu thuật chuyển ngón chân cái phục hồi ngón tay cái.
"Đây chỉ là một trong nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong thời gian gần đây", TS.BS Nguyễn Viết Ngọc", Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật cho hay.
Bàn tay bé trai bị dập nát nghiêm trọng |
Ngày 9/1, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận 2 bệnh nhân được chuyển tuyến từ Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng để tiếp tục điều trị đa chấn thương do tự chế pháo.
Hai nạn nhân là P.G.B và Đ.N.H (14 tuổi, cùng ngụ xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, Lâm Đồng). Trong đó, Đ.N.H. bị đa chấn thương nặng, được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê. P.G.B. được chẩn đoán thủng khí quản, thủng phổi và tràn máu màng phổi.
Tại Khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) vừa đang điều trị các vết thương ở vùng mặt, bàn tay phải… cho nam bệnh nhi T. (SN 2009, Gia Lai) vì chế tạo pháo tại nhà.
Theo lời người nhà, do đang ở tuổi khám phá, tò mò nên T. có tham khảo thông tin chế tạo pháo trên mạng. Sau đó T. đã đặt mua hóa chất rồi thực hành theo. Sự việc chỉ được phát hiện khi cả nhà nghe tiếng nổ lớn, T. được đưa vào cơ sở y tế gần nhà sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp tục điều trị.
Để lại hậu quả đáng tiếc
Nhiều ca tai nạn liên quan đến pháo tự chế phải nhập viện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cần ngăn chặn mối họa này, đặc biệt là với đối tượng thanh thiếu niên, học sinh.
Báo cáo của Bộ Công an cũng cho hay, thời gian qua nhiều vụ án liên quan đến hành vi tự chế pháo trái phép, gây ra hậu quả khôn lường đã xảy ra.
Đặc biệt, vào thời điểm gần Tết, các vụ tai nạn liên quan pháo tự chế lại gia tăng, để lại hậu quả đáng tiếc. Có những trường hợp phải chịu thương tổn suốt đời như cụt tay, bỏng nặng ở vùng mặt, mất thị lực…, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Trao đổi với Vuasanca , PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, trong những ngày cận Tết, bệnh viện cấp cứu nhiều ca tai nạn do nổ pháo, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Có những ca tai nạn do pháo hết sức thương tâm, đa số là bị thương ở vùng cổ, mặt, ngực, tay.
"Đây đều là những ca bị thương nặng, có ca ở tuyến dưới chuyển lên, nhưng tựu chung khi bị nạn, người nhà cũng như nạn nhân đều tỏ ra hết sức ân hận vì ham vui nhất thời mà phải trả cái giá quá đắt", PGS Khánh nói.
Theo PGS Nguyễn Mạnh Khánh, tổn thương do pháo nổ thường là phức tạp, nhiều trường hợp tổn thương nhiều vị trí như bàn tay, mặt, thân người… nên điều trị khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn.
Nguy hiểm là vậy, song thực trạng đáng báo động này vẫn thường xuyên tái diễn, bởi pháo tự chế thường kích thích sự tò mò đối với nhiều người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên.
Trước sự nguy hiểm của pháo tự chế, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức khuyến cáo, mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ.
Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ hoạt động của trẻ em, đặc biệt là trong thời gian gần Tết khi xuất hiện nhiều video hướng dẫn tự chế tạo pháo nổ tại nhà trên mạng xã hội.
Về phía nhà trường cần phối hợp tuyên truyền, giáo dục để hạn chế các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Cách bước sơ cứu khi gặp tai nạn do pháo nổ: - Đối với chấn thương ở mắt, nếu nạn nhân bị bỏng vùng mắt hoặc dị vật vào mắt khi đốt pháo, nên rửa mắt bằng dòng nước sạch liên tục trong ít nhất 10 phút, chớp mắt để loại dị vật ra, không cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt. Sau đó, bạn băng mắt lại bằng gạc sạch. - Nếu bị chảy máu mắt, nạn nhân cần được nhanh chóng băng mắt bằng gạc sạch. Trường hợp nạn nhân bị vết thương mạch máu cần băng ép cầm máu ngay. - Nếu bị gãy xương, dập nát bàn tay, cần cố định xương gãy và băng vết thương cho nạn nhân cẩn thận. - Nếu bị bỏng da, hãy nhanh chóng làm mát vùng bỏng bằng cách tưới nước sạch liên tục trên 10 phút. Ngay sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên, bạn hãy nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. |