Bảo hành sản phẩm: Người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình
Ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày, sau đó là nhóm đồ điện tử gia dụng và nhóm điện thoại, viễn thông. Đặc biệt, vấn đề kiến nghị liên quan đến bảo hành hậu mãi sản phẩm sau bán hàng chiếm gần 1/2 số lượng vụ việc, lên đến con số hàng nghìn vụ việc mỗi năm. Con số này vẫn chưa thể hiện hết thực tế hiện nay, không ít vụ việc NTD còn "ngại" không khiếu nại tới các cơ quan chức năng bởi thiếu chứng cứ, thời gian chờ xử lý lâu…
Đồ điện tử gia dụng là một trong những nhóm hàng có nhiều kiến nghị liên quan đến bảo hành hậu mãi |
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD Việt Nam - cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, quyền được an toàn của NTD tùy thuộc vào nhận thức, sự hoàn thiện luật pháp và chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, cũng như cộng đồng NTD và doanh nghiệp. Trong đó việc nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của NTD là một trong những việc làm cấp bách và thực sự cần thiết. Bởi khi NTD có ý thức tự bảo vệ mình thì các cơ quan chức năng mới có cơ sở để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.
Chính vì thế, Cục CT&BVNTD đã liên tục có nhiều khuyến cáo tới NTD trong các trường hợp giao dịch, mua bán. Đơn cử, để được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, NTD phải mua hàng có nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh chất lượng, một ưu điểm khác của việc mua hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng là được bảo toàn quyền lợi trong trường hợp bảo hành. Tùy theo từng loại sản phẩm và quy định về bảo hành của nhà sản xuất, NTD có thể bảo hành sản phẩm tại đơn vị kinh doanh hoặc các trung tâm bảo hành ủy quyền của nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, phải lưu giữ hóa đơn và giấy tờ bảo hành - đây là các bằng chứng cho biết sản phẩm được cung cấp và bảo hành bởi đơn vị nào. Trong trường hợp NTD cần bảo hành thiết bị hoặc phản ánh, khiếu nại về sản phẩm mà không có các giấy tờ trên, đơn vị kinh doanh sẽ có xu hướng từ chối làm việc với NTD. Ngoài ra, đại diện Cục CT&BVNTD cũng cho biết thêm, trên thực tế có một số đơn vị kinh doanh và trung tâm bảo hành đã đột ngột đóng cửa, gây tâm lý hoang mang, lo ngại. Tuy nhiên, theo Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam, tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ phải chịu trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho NTD cả trong trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc bảo hành.
Hiện Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan bảo vệ quyền lợi NTD vẫn đang tích cực triển khai Chương trình quốc gia về bảo vệ quyền lợi NTD giai đoạn 2016 - 2020. |