Đây là thông tin được Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) công bố trong Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chính sách BHTN ngày 12/7/2019, tại Thanh Hóa.
Chính sách BHTN là chính sách mới, là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động, là chế độ nhằm bù đắp thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Nhưng quan trọng hơn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm cho người lao động.
Đánh giá tại hội nghị, sau 10 năm, chính sách BHTN đã có nhiều khởi sắc, thực sự đã đi vào cuộc sống |
Với những giải pháp đồng bộ, từ việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành, tuyên truyền, phổ biến chính sách; phối hợp tổ chức chính sách BHNT đã đạt những kết quả đầy khích lệ.
Số liệu từ Cục Việc làm, số lượng người tham gia và đóng BHTN liên tục tăng qua các năm, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng giao. Nếu như năm 2009 mới chỉ có 5.993.300 người tham gia thì năm 2015 đã có 10.308.180 người tham gia, tăng 11,8%. Đến năm 2018 đã có 12.680.173 người tham gia, tăng 7,7% so với năm 2017, bằng 87,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc (14,45 triệu người), tổng số người tham gia BHTN là 361.568 đơn vị.
Tổng số tiền thu BHTN không ngừng tăng qua các năm, tính đến năm 2018, bình quân tiền đóng BHTN hàng tháng của người lao động là 4.937.117 triệu đồng, tăng 9,94% so với bình quân tiền đóng năm 2017, tổng số tiền thu BHTN năm 2018 là 15.531 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các hoạt động như tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, chi trả chế độ BHTN cũng đã có những khởi sắc. Trong đó, năm 2018 đã có 1.390.429 người được tư vấn, giới thiệu việc làm; 37.977 được hỗ trợ học nghề; 763.537 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gấp 4 lần so với năm 2017.
Đặc biệt, do số người hưởng các chế độ BHTN tăng nên tổng tiền chi cho các chế độ BHTN tăng, trong đó ước năm 2018 chi các chế độ BHTN là 9.722 tỷ đồng, trong đó chi cho trợ cấp thất nghiệp chiếm 92,8%, chi hỗ trợ học nghề chiếm 0,9%, chi BHYT chiếm 4,1% so với tổng chi cho các chế độ BHTN.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Doãn Mậu Diệp - phát biểu đánh giá tại hội nghị |
Đánh giá những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – ông Doãn Mậu Diệp - nhấn mạnh: Chính sách BHTN đã sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia và đánh giá cao, góp phần ổn định đời sống và hỗ trợ thiết thực cho người sử dụng lao động, người lao động; thực sự là điểm tựa của người lao động, người sử dụng lao động; góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Việc thực hiện chính sách BHTN đảm bảo nguyên tắc chia sẻ, đóng hưởng và an toàn Quỹ, thể hiện sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ; giữa người có nguy cơ mất việc làm thấp với người có nguy cơ mất việc làm cao…
Tuy nhiên, đánh giá từ lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chính sách BHTN vẫn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó chưa thực sự gắn với thị trường lao động, chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ để duy trì việc làm cho người lao động, tránh sa thải lao động. “Sau 10 năm triển khai, BHTN chủ yếu nặng về giải quyết hậu quả, nhẹ về triển khai biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ duy trì việc làm; thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện còn nhiều bất cập” - ông Diệp cho hay.
Ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, chỉ rõ mục tiêu cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng, hưởng; công bằng, bình đằng, chia sẻ và bền vững.
Đồng thời, Nghị quyết số 28-NQ/TW chỉ ra nhiệm vụ là phải nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN, trong đó tập trung tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ chế tài chính đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực để chính sách BHTN thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đạt khoảng: 28% (năm 2021), 35% (2025), 45% (2031) lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN.
Để thực hiện mục tiêu trên, ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho biết, thời gian tới toàn ngành cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp quan trọng. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách BHTN tại Luật Việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm; đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người lao động; khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BHTN, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, ước kết dư Quỹ BHTN tính đến cuối năm 2018 là 79.073 tỷ đồng, dự báo đến năm 2020 Quỹ BHTN vẫn đảm bảo an toàn. |