Bảo hiểm thất nghiệp: Nặng về giải quyết trợ cấp
Còn nhiều bất cập
Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, số lượng người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp hàng năm đang tăng, tỷ lệ tăng bình quân 12,5%/năm. Đến nay, đã có trên 4 triệu NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, gần 160.000 người được hỗ trợ học nghề và hầu hết đều có việc làm ổn định.
Trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ còn gặp khó khăn khi không có văn bản xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc |
Tuy nhiên, nhiều NLĐ cho rằng, với mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề hiện nay là 1 triệu đồng/người/tháng, chỉ đáp ứng chi phí học các nghề đơn giản như may căn bản, sửa chữa xe gắn máy, điện dân dụng… Ngoài ra, trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ còn gặp khó khăn khi không có văn bản xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc như: Trường hợp NLĐ tại các doanh nghiệp (DN) có chủ bỏ trốn hoặc người quản lý DN tại các DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh...
Trước thực tế trên, Nghị quyết số 28-NQ/TW (Nghị quyết 28) của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã chỉ rõ, chính sách BHTN chưa thật sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, nơi NLĐ dễ bị tổn thương, còn "nặng" về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế…
Sớm hoàn thiện chính sách
Trước những yêu cầu đổi mới, Nghị quyết 28 đã nêu: BHTN được cải cách một cách toàn diện. Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách BHTN, chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà cần chú ý đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ DN duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho NLĐ. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHTN trong khu vực phi chính thức; ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHTN, bảo đảm BHTN thật sự là công cụ quản lý thị trường lao động.
Để hoàn thiện chính sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN. Theo đó, tập trung vào những nội dung chính như: Về đóng BHTN, bổ sung quy định về các trường hợp được coi là người đang đóng BHTN, bao gồm cả trường hợp NLĐ có tháng liền trước của tháng có ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
Bổ sung quy định thời gian NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH được tính là thời gian đóng BHTN.
Bổ sung quy định về thời gian đóng để xét hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ trong trường hợp NLĐ có thời gian đóng BHTN trước khi hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chưa được xác nhận trong sổ BHXH do người sử dụng lao động chậm đóng hoặc trốn đóng BHTN.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mức hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/tháng thay vì 1 triệu đồng/người/tháng như hiện nay. |