Hoạt động xuất khẩu đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu đạt 62,7 tỷ USD, tăng 29,1% so với năm 2007, chiếm 83% GDP. Năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu giảm 9,7% so với năm 2008, đạt 56,6 tỷ đô la Mỹ. Hiện có khoảng 35.000 tổ chức xuất khẩu tại Việt Nam.Tuy nhiên, gần như toàn bộ các tổ chức này chưa tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) mà chủ yếu dùng hình thức yêu cầu tổ chức nhập khẩu mở thư tín dụng.
Theo kết quả điều tra sơ bộ do Bộ Công thương tiến hành tại 200 thương nhân xuất khẩu (trong tổng số 35.000 thương nhân xuất khẩu), cho thấy có rất ít doanh nghiệp áp dụng chương trình thủ tục quản lý nợ/quản lý rủi ro thanh toán. Trong hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp này chủ yếu gặp rủi ro trong thương mại (68%), rủi ro liên quan đến ngân hàng (16%) và rủi ro chính trị (17%).
Như vậy, rủi ro là rất nhiều, nhất là các rủi ro thương mại, tuy nhiên chưa có doanh nghiệp nào tham gia BHTDXK. Phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu mới chỉ tham gia bảo hiểm xuất khẩu hàng hóa, tức là bảo hiểm trong trường hợp hàng hoá bị tổn thất do một số nguyên nhân trong quá trình vận chuyển, bốc dỡ hàng.
Kết quả từ phiếu điều tra do Bộ Công thương thực hiện cho thấy 95% doanh nghiệp xuất khẩu có nhu cầu BHTDXK và đều cho rằng hình thức BHTDXK là cần thiết. Trong số các doanh nghiệp này, phần lớn (78%) muốn bảo hiểm rủi ro thương mại, 10% quan tâm đến rủi ro chính trị và 12% muốn tham gia các hình thức bảo hiểm rủi ro khác trong xuất khẩu (biến động về giá hàng hóa, tỷ giá).
Như vậy, khách quan cho thấy thực tế thị trường có nhu cầu và có tiềm năng về BHTDXK nhưng chưa có chính sách cụ thể của Nhà nước để thúc đẩy phát triển sản phẩm bảo hiểm này.
Nhận thức được vấn đề trên, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ xây dựng đề án thí điểm BHTDXK.
Theo VCCI