Bảo tồn và phát triển di sản của dân tộc
Du khách tìm hiểu các hiện vật được khai quật ở Khu di chỉ khảo cổ học Làng Vạc hiện lưu giữ, trưng bày tại Đền thờ Làng Vạc |
Dấu tích của người Việt cổ
Nói về làng Vạc, bất cứ người dân nào trong vùng cũng đều tự hào bởi đây là một trong những vùng đất hiếm hoi còn lưu giữ những dấu tích của người Việt cổ. Tại đây, ngay trong lần đầu tiên khai quật vào năm 1972, những nhà khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản đã phát hiện ra nhiều hiện vật có giá trị như: khu mộ táng bề thế và những chiếc trống đồng là đồ tùy táng được chôn theo người quá cố. Bên cạnh đó còn thấy nhiều dao găm có cán hình người, hình đôi rắn đang ngậm chân voi, đôi rắn ngậm chân hổ và khá nhiều vòng ống đeo cổ tay, cổ chân được gắn nhiều lục lạc bằng đồng. Cho đến giờ ở Việt Nam, chưa có một khu mộ cổ nào có nhiều trống đồng và đồ nghệ thuật bằng đồng nhiều và đẹp hơn thế… Sau đó, trải qua 5 lần khai quật khác, đã phát hiện đây là một di chỉ khảo cổ học có giá trị thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Tại đây, ngoài phát hiện 374 ngôi mộ cổ, còn phát hiện 1.228 hiện vật, công cụ sản xuất, vũ khí, nhạc ký, tượng đồng dùng sinh hoạt, đồ trang sức bằng đồng, đá, gốm, thủy tinh của người Việt cổ cách đây khoảng 2.000 – 2.500 năm.
Là một người con của Làng Vạc và được tận mắt chứng kiến những cuộc khai quật Khu di chỉ khảo cổ học, anh Đinh Trọng Nghĩa - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hiếu - nhớ lại: Những ngày cán bộ khảo cổ đến khai quật, hàng trăm người dân trong thôn được huy động đến hỗ trợ. Khu Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc đã có hàng nghìn hiện vật quý được lưu giữ và rất nhiều trong số đó hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng Nghệ An.
Theo PGS.TS Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học - từ cái kho của di vật Làng Vạc, chúng ta còn biết được người Làng Vạc xưa đã có một nền văn hóa vật chất khá cao. Họ đã biết mặc đẹp, biết trang sức rất nhiều vòng tay, khuyên tai... Nhờ phát hiện ra loại chõ gốm ở Làng Vạc mà các nhà khoa học còn khẳng định, người Làng Vạc đã biết đến trồng lúa nếp, lấy gạo nếp đồ xôi bằng chõ, biết đóng những thuyền đua, biết chăn nuôi bò như hình khắc loại bò có u thấy trên thân trống…
Cần có giải pháp bảo vệ, tôn tạo di tích
Người dân trong vùng sau một thời gian bị “chảy máu” cổ vật, giờ cũng đã có ý thức lưu giữ và bảo vệ. Hiện hơn 300 hiện vật đang lưu giữ ở nhà trưng bày tại Đền thờ Làng Vạc đều là do người dân trong vùng hiến tặng với mong muốn nơi đây trở thành một nơi trưng bày, khảo cứu và giáo dục truyền thống dân tộc. Chỉ có điều, do điều kiện còn hạn chế nên các hiện vật có giá trị đang được bảo quản, trưng bày đơn giản chứ chưa có chủ điểm, chủ đề, chưa có thuyết minh rõ ràng.
Một số hiện vật được khai quật tại Khu Di chỉ khảo cổ Làng Vạc như: trống đồng, dao găm, đồ trang sức... |
Với những giá trị to lớn của Khu di chỉ khảo cổ học làng Vạc, từ năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng Khu Bảo tồn di chỉ khảo cổ trên quy mô diện tích 156 héc-ta. Ông Phạm Văn Thạch - Phó Chủ tịch UBND Thị xã Thái Hòa - cho biết: Theo quy hoạch này, làng Vạc sẽ được quy hoạch thành Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, bao gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi kết hợp nghiên cứu, tìm hiểu bản sắc, phong tục tập quán, lễ hội của các dân tộc trong vùng và trở thành điểm đến du lịch quan trọng trong hệ thống phát triển du lịch Nghệ An. Tại đây, ngoài các công trình như: đền thờ, nhà trưng bày hiện vật sẽ xây dựng thêm nhà điều hành, khu nhà mô phỏng nhà Việt cổ, khu vực khảo cổ, trung tâm nghiên cứu - khai quật khảo cổ, sân lễ hội, bến thuyền…
Cuối năm 2016, UBND tỉnh đã quyết định cấp ngân sách khoảng 25 tỷ đồng để đầu tư xây dựng giai đoạn đầu. Trước mắt, trong quý IV/2017, sẽ tập trung vào xây dựng hạ tầng, đường giao thông và hệ thống khuôn viên cây xanh… Bước khởi đầu này cũng sẽ tạo tiền đề cho việc triển khai dự án trong những năm tới và nếu thành công không chỉ tạo ra một điểm du lịch hấp dẫn, kết nối du lịch vùng mà còn là nơi giáo dục truyền thống văn hóa, nơi nghiên cứu, học tập lịch sử dân tộc có giá trị.