Giữ môi trường trong lành luôn là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản. |
Giữa thập kỷ 1950 đến đầu thập kỷ 1970, ô nhiễm môi trường ở Nhật Bản diễn ra nghiêm trọng, do sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hóa học. Thực trạng này đã gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe con người. “Để đòi được bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân thì việc xác minh nguyên nhân rất khó khăn, vì họ phải đưa ra được những bằng chứng thật cụ thể. Ngay từ năm 1970, 14 luật môi trường ở Nhật Bản được ban hành và sửa đổi, trong đó có Luật Giải quyết tranh chấp môi trường đã bảo vệ được quyền lợi của cộng đồng”- bà Hideko Takemiya- Thẩm tra viên Ủy ban Điều phối tranh chấp môi trường Nhật Bản cho biết.
Ngoài ra, để khắc phục phần nào những tổn thương về sức khỏe cho người dân trước sức ép ô nhiễm môi trường, năm 1973, Nhật Bản đã ban hành “Luật đền bù cho sự thiệt hại về sức khỏe do ô nhiễm”. Theo đó, người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các cơ sở, xí nghiệp sản xuất phải thực thi nghiêm túc các biện pháp cải tiến kỹ thuật để ngăn chặn ô nhiễm trong quá trình sản xuất. Trong trường hợp ô nhiễm xảy ra, dù là do vô tình hay sự cố kỹ thuật, thì cơ sở đó vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình và phải bồi thường thiệt hại. Quy định này đã buộc các cơ sở sản xuất phải thận trọng trong quá trình sản xuất, xử lý chất thải và thường xuyên thực hiện chế độ bảo dưỡng, kiểm tra độ an toàn của các thiết bị. Đối với các vật nhiễm bẩn bị thải ra thì thực hiện việc giám sát theo quy tắc nồng độ.
Vấn đề chôn lấp và xử lý rác thải - vấn đề mà các nước trên thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức thì Nhật Bản đã giải quyết rất thành công. Trao đổi kinh nghiệm đối phó với hành động chôn lấp rác thải bất hợp pháp tại Nhật Bản, ông Matsuzawa Yutaka- chuyên gia của JICA- cho rằng, nguyên nhân chính của những vi phạm này là việc thiếu trách nhiệm xã hội và nhận thức yếu kém của các cơ sở công nghiệp và các công ty quản lý chất thải đối với công tác bảo vệ môi trường. Vì mục tiêu lợi nhuận, các cơ sở này không muốn trả chi phí cho việc xử lý rác thải nên họ đã thực hiện việc chôn lấp rác bất hợp pháp. Trước tình hình này, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã ban hành và sửa đổi quy định về chi phí hợp lý xử lý rác thải, trách nhiệm đối với ô nhiễm môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật, xử phạt hành chính và xử phạt hình sự đối với các trường hợp vi phạm như thu hồi giấy phép kinh doanh, tịch thu số tiền thu được do phạm tội, phạt tiền nặng đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm, thậm chí là phạt tù. Tiêu biểu là vụ chôn lấp bất hợp pháp tại Công ty Gifu năm 2005, công ty này đã bị phạt 100 triệu yên, Chủ tịch công ty bị phạt 10 triệu yên và 4,5 năm tù giam. Hoặc vụ chôn lấp bất hợp pháp của Công ty Aomori-Iwate vào năm 2001, công ty bị phạt 20 triệu yên, Chủ tịch công ty bị phạt 10 triệu yên và 2,5 năm tù giam…
Trong thời gian qua, hợp tác Việt Nam- Nhật Bản trong lĩnh vực môi trường đã được đẩy mạnh, trong đó, đáng chú ý là sự hợp tác của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với Việt Nam. Những dự án JICA đã hỗ trợ Việt Nam vào quá trình cải thiện môi trường, cũng như giảm nhẹ và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thời gian tới, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của JICA, đặc biệt ở một số chương trình cụ thể như: Xử lý ô nhiễm nguồn nước tại các khu dân cư, khu công nghiệp; xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt rác thông minh, hiệu quả; ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với các dự án bảo tồn và phát triển rừng; bảo tồn đa dạng sinh học… |