Bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia là yêu cầu cấp thiết
Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường tại khu du lịch quốc gia được các đại biểu đưa ra tại hội thảo |
Đây là nội dung chính của hội thảo “Bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sáng ngày 28/7, tại Ninh Bình.
Phát biểu tại hội thảo, ông Từ Mạnh Lương – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho hay, Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu phát triển 46 khu du lịch quốc gia, trải dài khắp mọi miền đất nước, đây là những điểm đến hấp dẫn với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ đối với các khu du lịch là công tác bảo vệ môi trường, việc phát triển du lịch quá nóng đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch. Như, tại các khu, điểm du lịch xuất hiện chất thải rắn, nước thải chưa thu hồi; thiếu các nhà vệ sinh, trang thiết bị phục vụ không đảm bảo…
Do vậy, trong xu thế cạnh tranh điểm đến và yêu cầu phát triển bền vững, phát triển xanh trong ngành du lich hiện nay, theo ông Từ Mạnh Lương một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các khu du lịch quốc gia cần phải thực hiện là bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Bàn về giải pháp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, hiện mỗi khu du lịch quốc gia có tính chất riêng, vì vậy yêu cầu bảo vệ môi trường cũng có đặc điểm khác nhau. Trong định hướng phát triển của cơ quan quản lý du lịch, theo bà Hương đó là chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về bảo vệ môi trường đối với các khu, điểm du lịch quốc gia; quy hoạch, quản lý chặt chẽ các hoạt động tác động đến môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát về môi trường; phát triển sinh kế cho người dân kết hợp với bảo vệ môi trường, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch bền vững...
Nhận thức được vai trò bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững, nhiều khu du lịch quốc gia cũng đã xác định đây là nhiệm vụ cốt lõi. Tại hội thảo, nhiều đại diện các khu, điểm du lịch quốc gia như Tràng An, vịnh Hạ Long, thác Bản Giốc, hồ Núi Cốc đã có những chia sẻ hữu ích về kinh nghiệm, cách thức giải quyết các thách thức, cũng như các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ đối với công tác quản lý vệ bảo vệ môi trường trong hoạt động phát triển du lịch.
Tại Khu quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), sau khi được vinh danh là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân của khu du lịch này đạt 13,7%. Năm 2016, lượng khách du lịch đạt 6,44 triệu lượt, doanh thu đạt 1.765 tỷ đồng. Trước tốc độ tăng trưởng của hoạt động du lịch tại Tràng An cũng đã tạo không ít sức ép đối với môi trường của di sản.
Vì thế, để xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công tác bảo vệ môi trường được tỉnh Ninh Bình xác định là yếu tố quan trọng tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn và thân thiện đối với mỗi điểm đến. Đặc biệt, ông Nguyễn Thành Đông - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho hay, theo nhận diện ban đầu của các chuyên gia, hiện có khoảng 40 yếu tố có nguy cơ ảnh hướng đến di sản, trong đó có 30% nhân tố có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường tại khu, điểm du lịch, đó là ô nhiễm nước thải, rác thải, săn bắt, khai thác tài nguyên.
Từ thực tế này, ông Nguyễn Thành Đông nhấn mạnh, tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục quyết liệt tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan. Trong đó đẩy mạnh việc ban hành và triển khai đồng bộ chính sách, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, gắn sinh kế của người dân với phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch; tích cực tuyên truyền phổ biến hướng dẫn người dân, du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch.