“Bắt bệnh” nhập siêu dịch vụ
Kiểm tra nhập khẩu hàng hóa tại cảng
- Trong 10 năm qua, nhập khẩu dịch vụ của Việt Nam đã tăng đáng kể, từ mức 3,382 tỷ USD năm 2001 lên 5,036 tỷ USD năm 2005 và trên 7 tỷ USD năm 2010. Trong khi đó, xuất khẩu dịch vụ tăng chậm hơn và chỉ tập trung vào một số ít lĩnh vực.
Năm 2010, tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ mới chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế và chỉ tập trung vào một số lĩnh vực như du lịch, hàng không, vận tải biển và tài chính. Bốn lĩnh vực dịch vụ này chiếm tới 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ bình quân của thế giới là 20% và mức trung bình của các nền kinh tế đang chuyển đổi từ 14-15%. Điều đó khiến nhập siêu dịch vụ của Việt Nam không được cải thiện. Năm 2010, Việt Nam nhập siêu dịch vụ 551 triệu USD, tuy nhỏ so với nhập siêu hàng hóa nhưng có thể sẽ gia tăng mạnh thời gian tới do trong giai đoạn phát triển của nền kinh tế sẽ làm phát sinh nhu cầu nhiều dịch vụ. Đáng nói là vận tải biển chiếm tỷ trọng lớn trong thâm hụt thương mại dịch vụ do chi phí vận tải biển và bảo hiểm trả cho các doanh nghiệp nước ngoài, chiếm tới gần 51,5% tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2010. Tiếp đến là nhóm dịch vụ du lịch, hàng không và các dịch vụ khác chiếm hơn 37% kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2010.
Tốc độ tăng trưởng bình quân xuất khẩu dịch vụ trong thời gian 2006 - 2010 trên 20%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân xuất khẩu hàng hóa với mức 23-24%. Tỷ trọng của thương mại dịch vụ trong tổng thương mại lại có xu hướng giảm trong các năm 2008-2010.
Trong tương lai, nếu không có giải pháp đột biến, ít có kỳ vọng về việc cải thiện kim ngạch xuất khẩu dịch vụ do năng lực cạnh tranh hạn chế của các ngành dịch vụ có tiềm năng xuất khẩu. Cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam hầu hết dựa vào giá thay vì chất lượng.
Nhập siêu là do khả năng xuất khẩu dịch vụ còn hạn chế, xuất phát từ sức cạnh tranh yếu. Ví dụ, lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm “dậm chân” với tỷ trọng chiếm 1,8% GDP từ năm 2000 đến nay. Điều này cho thấy, dịch vụ Việt Nam chưa bắt kịp với xu thế phát triển dịch vụ hiện đại của thế giới với các ngành dựa vào tri thức. Bên cạnh đó, một số ngành dịch vụ quan trọng như khoa học và công nghệ mới chiếm 0,6% GDP mặc dù phát triển nhanh trong những năm vừa qua.
Dịch vụ logistic có ý nghĩa xương sống với nền kinh tế dù số lượng doanh nghiệp đông đảo nhưng hiện để mất 70% thị phần vào tay các công ty nước ngoài. Trong khi đó, dự báo khối lượng hàng hóa qua cảng biển sẽ tăng mạnh, năm 2015 là 500 triệu tấn, năm 2020 là 1 tỷ tấn. Ngoài nguyên nhân khả năng cạnh tranh yếu của các công ty vận tải biển Việt Nam, cách thức xuất khẩu giao tại cảng Việt Nam cũng góp phần không nhỏ đối với tình trạng nhập siêu dịch vụ.
Đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và tăng cường hội nhập quốc tế về dịch vụ là định hướng trọng tâm giải quyết tình trạng nhập siêu dịch vụ hiện nay và trở thành nguồn thu ngoại tệ quan trọng. Thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ được kỳ vọng vào một số phương thức như cung cấp dịch vụ cho du khách và nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam; các loại hình dịch vụ logistic cho nước ngoài quá cảnh qua Việt Nam; nâng cao năng lực bảo hiểm và tài chính cho thương mại…
Ngoài ra, các phương thức khác như đầu tư dịch vụ ra nước ngoài và thiết lập quan hệ đối tác với các nhà cung cấp hàng đầu thế giới để tham gia vào mạng lưới quốc tế sẽ trực tiếp đưa dịch vụ Việt Nam ra sân chơi thế giới. Các dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực điện thoại di động và ngân hàng là những điển hình.
Phương Anh