CôngThương - Theo VFA, kể từ ngày 14/02/2011, giá sàn loại gạo 25% tấm xuất khẩu từ 498 USD/tấn giảm 18 USD xuống còn 480 USD/tấn và loại gạo 5% tấm giảm 20 USD xuống còn 520 USD/tấn. Đây là lần thứ 8 VFA điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo, kể từ tháng 9/2010. Đợt giảm giá sàn lần này đã tạo ra một số diễn biến: giá thu mua lúa giảm rõ; nông dân có ý “găm” hàng; cộng với lãi suất tín dụng, doanh nghiệp thêm lúng túng nếu không “đảo vòng quay” kịp thời…
Mệt mỏi về cung cách điều hành của VFA mấy năm qua, nhiều chủ doanh nghiệp có số lượng gạo xuất khẩu hàng trăm tấn mỗi năm cũng chỉ biết “dậm chân”, “đấm ngực”… Bàn về “giảm giá sàn”, giám đốc một ngân hàng cho rằng, “đó là cách kiểm soát số lượng xuất khẩu, ít nhiều cách này cũng có lợi…”. Tuy nhiên, khi phóng viên nêu vấn đề tạm trữ 2 triệu tấn lúa vụ đông-xuân này làm giá lúa giảm nhanh, thì vị giám đốc ngân hàng này “bí” vì có lẽ ông chỉ là dân “ngoại đạo” với việc nội bộ ngành gạo. T
rở lại thời điểm tháng 9/2010, chỉ trong khoảng hơn 1 tháng, giá sàn xuất khẩu gạo có 4 lần tăng lên khiến cho lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh, kéo theo giá thu mua, tiêu thụ giảm theo. Trước việc điều hành này, doanh nghiệp thì “chùn tay” vì giá cao khó xuất, còn nông dân lại thắc mắc “lúa có giá, dân có lợi, sao hạn chế xuất?”. Nhà điều hành VFA lúc đó lý giải “phải linh hoạt cho kịp với giá gạo Thái Lan”. Không chỉ vậy, năm 2009, vào thời điểm tháng 8, trên trang web của VFA “treo” giá 430 USD/tấn nhưng doanh nghiệp trực thuộc Vinafood 2 lại xuất giá “đối ngoại” với 400 USD/tấn.
Một quan chức của Vianfood 2 đã “chống chế” rằng, giá sàn tháng 8/2009 là 410 USD/tấn nhưng có thể “linh động” cho doanh nghiệp hội viên xuất với giá 400 USD/tấn. Chính những mắc mớ này khiến chủ một doanh nghiệp bức xúc: “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia” hoặc là vấn đề “an ninh quốc gia” luôn là boongke bất khả, làm nhụt chí những người nhiệt huyết nhất, còn “dân làm ăn” đương nhiên phải an phận mà thôi!