Chủ tịch Quốc hội lên đường dự AIPA-43, thăm Campuchia và Philippines |
Với chủ đề “Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN bền vững, bao trùm và tự cường”, Đại hội đồng AIPA lần thứ 43 do Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin kiêm Chủ tịch Đại hội đồng AIPA lần thứ 43 chủ trì. Lễ khai mạc Đại hội đồng sẽ được tổ chức vào ngày 21/11 với điện văn chào mừng của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Trong lễ khai mạc, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Say Chhum sẽ có bài phát biểu chào mừng, Thủ tướng Campuchia Hun Sen sẽ có bài phát biểu quan trọng và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin sẽ phát biểu khai mạc. Cùng dự phiên họp có các quan chức cấp cao của Thượng viện và Quốc hội, đại biểu các nước thành viên AIPA, các nước quan sát viên, khách mời nước chủ nhà và các tổ chức đối tác.
Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin kiêm Chủ tịch Đại hội đồng AIPA lần thứ 43 |
Trong thời gian diễn ra Đại hội đồng AIPA năm nay sẽ có các cuộc họp của các Ủy ban chuyên trách gồm: Họp Ban Chấp hành, Họp toàn thể, Họp Ủy ban Nữ nghị sĩ Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (WAIPA), Họp Nghị sĩ trẻ AIPA, Họp Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế, Họp Ủy ban các vấn đề xã hội và Họp Ban tổ chức. Được thành lập vào ngày 2/9/1977, Hội đồng liên nghị viện ASEAN ban đầu được gọi là Tổ chức liên nghị viện ASEAN (AIPO), và tên được đổi thành AIPA vào năm 2006. AIPA đóng vai trò là cơ quan lập pháp của các quốc gia thành viên ASEAN thay phiên nhau đăng cai tổ chức sự kiện thường niên này theo thứ tự chữ cái của các quốc gia. Campuchia trở thành thành viên của Hội đồng liên nghị viện ASEAN năm 1999.
Trong tuần Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 tại Phnom Penh vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Chủ tịch AIPA 43 Heng Samrin đã chia sẻ 5 vấn đề chính sách để các nhà lãnh đạo ASEAN xem xét. Đầu tiên, ASEAN cần đảm bảo phục hồi bền vững và linh hoạt bằng cách tăng cường khả năng phục hồi khí hậu và đầu tư nhiều hơn vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và tái tạo. ASEAN cần tận dụng tiềm năng sức mua to lớn của các chính phủ kết hợp để khuyến khích và tác động đến thị trường trong việc sản xuất các sản phẩm xanh và sử dụng các quy trình thân thiện với môi trường bằng các chính sách công nhận và hỗ trợ mua sắm công xanh. Về vấn đề này, điều quan trọng là phải xây dựng một lộ trình pháp lý khu vực về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) với các cơ chế và kế hoạch hành động rõ ràng để đạt được một ASEAN xanh bền vững, bao gồm sáng kiến của Thủ tướng Hun Sen về Thỏa thuận Xanh ASEAN.
Thứ hai,con người phải là trung tâm trong kế hoạch phục hồi của ASEAN để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Về mặt này, kết nối giao thông vận tải và mạng lưới hậu cần, kỹ thuật số và tài chính toàn diện, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và phát triển lấy con người làm trung tâm là cấp thiết. Về vấn đề này, ASEAN không thể lơ là việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030, những mục tiêu này cũng sẽ đưa ASEAN thoát khỏi những thách thức hiện tại. Thứ ba, ASEAN cần tăng cường các cơ chế khu vực về hợp tác, điều phối, hỗ trợ kỹ thuật và huy động nguồn lực trong tất cả các lĩnh vực quản lý thiên tai, đặc biệt thông qua triển khai hiệu quả tầm nhìn ASEAN 2025 về quản lý thiên tai.
Thứ tư, ASEAN rất cần tăng cường hợp tác và quan hệ đối tác trong nghị viện khu vực bằng cách chia sẻ kiến thức về luật và quy định. Do đó, AIPA có kế hoạch đề xuất thành lập Thư viện pháp luật kỹ thuật số AIPA như một trung tâm tài nguyên kỹ thuật số khu vực cho các Nghị viện thành viên AIPA. Thứ năm, ASEAN cần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác nghị viện trong thúc đẩy nhân quyền, dân chủ, quản trị tốt, bao gồm chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh, đẩy nhanh xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua hài hòa hóa các khuôn khổ pháp lý khu vực.