Bất động sản công nghiệp “thỏi nam châm” hút vốn nhà đầu tư
Hút vốn FDI
Theo báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2018, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) thu hút được 445 dự án FDI đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 7 tỷ USD; Có 259 dự án đầu tư trong nước đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm khoảng 46.000 tỷ đồng.
Tại TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 87% |
Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là yếu tố chính thúc đẩy bất động sản công nghiệp (BĐSCN) tại Việt Nam phát triển. Năm 2017, Việt Nam đã thu hút dòng vốn FDI lên đến 35,6 tỷ USD, tăng 44,4% so với năm 2016. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, đi kèm với sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị, đã và đang mở ra tương lai mới cho thị trường BĐSCN tại Việt Nam trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Theo Công ty Savills Việt Nam, hoạt động sản xuất và chế biến của Việt Nam chiếm hơn 44% trong danh sách các ngành nghề thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2017. Đây thực sự là nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững và BĐSCN thật sự tạo sức hút đối với các nhà đầu tư.
Hiện bất động sản là một trong những kênh nhận được vốn lớn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, phân khúc BĐSCN sẽ là xu hướng lựa chọn của giới đầu tư. Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường BĐSCN ở Việt Nam, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics vẫn đang trong giai đoạn phát triển mới với nhiều tiềm năng.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca tại buổi họp báo toàn cảnh thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm 2018, bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc Bộ phận cho thuê, Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) cho hay, hiện Việt Nam thu hút rất nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho BĐSCN. Lĩnh vực này đang có rất nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Lý giải cho điều này, theo bà Huyền Trang có 4 lý do như: Chi phí thấp, vị trí chiến lược và kinh tế tăng trưởng ổn định, tầng lớp trung lưu gia tăng, giúp Việt Nam trở thành thỏi nam châm hút vốn của giới đầu tư BĐSCN.
Hiện Việt Nam có khoảng 95.000ha đất dành riêng cho các KCN. Tuy nhiên, đầu tư cho BĐSCN, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và các dịch vụ hậu cần khác, vẫn đang ở mức “mới phát triển. Do đó, lĩnh vực BĐSCN trong thời gian tới chắc chắn sẽ thu hút thêm những nhà máy sản xuất những sản phẩm công nghệ.
Theo bà Trang, sự tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp tất yếu dẫn đến sự phát triển của BĐSCN Việt Nam. Bởi trên thực tế, lĩnh vực công nghiệp Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố then chốt hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Tiềm năng lớn
Bà Bùi Nguyễn Huyền Trang cũng nhận định, BĐSCN Việt Nam đang có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài muốn dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam. Nguyên nhân là bởi Việt Nam có chi phí sản xuất thấp, chỉ dưới 1 USD/giờ, thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn cả Trung Quốc.
Bất động sản công nghiệp có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới |
Ngoài ra, các địa phương đang có nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư ngoại vào KCN, KCX như: miễn visa cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại các khu KCN, KCX; ưu đãi thuế đất; cơ chế hải quan 1 cửa nhanh chóng…
Bện cạnh đó, Việt Nam sẽ là điểm đến của các doanh nghiệp lớn của nước ngoài sau khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) được đàm phán và thực thi. BĐSCN sẽ thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo cơ hội phát triển nhiều lĩnh vực công nghiệp như: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo…
Điều này sẽ kéo theo cầu tăng đối với BĐSCN, khi các doanh nghiệp lớn nước ngoài sẽ tăng cường đặt các nhà máy sản xuất tại Việt Nam, nhằm tận dụng được những ưu đãi về thuế và chi phí nhân công cạnh tranh.
Đón trước làn sóng đầu tư này, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư sẵn sàng hạ tầng để đón sóng đầu tư. Các doanh nghiệp nội địa, các doanh nghiệp lớn của nước ngoài sẽ đầu tư, rót vốn đầu tư KCN. Hiện nay, các tập đoàn hàng đầu thế giới đều đã có các dự án đầu tư vào các KCN của Việt Nam.
Chẳng hạn đầu năm 2018, Công ty CP Phát triển công nghiệp BW (BW Industrial), một liên doanh giữa Quỹ Đầu tư Warburg Pincus đã hợp tác Becamex IDC để trở thành nhà phát triển BĐSCN và logistics lớn nhất cả nước.
Với vốn đầu tư ban đầu 200 triệu USD, trong đó đối tác nước ngoài góp 70%, liên doanh này hướng tới việc cung cấp nhà kho hiện đại, nhà xưởng xây sẵn cho thuê, nhà xưởng xây theo yêu cầu của khách hàng và các sản phẩm liên quan đến BĐSCN tại khu vực kinh tế, KCN trọng điểm để đáp ứng cho các tập đoàn đa quốc gia kinh doanh sản xuất tại Việt Nam.
Trong khi đó, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng sản xuất nước ngoài trước đây như: Amata (Thái Lan), Sembcorp (Singapore) cũng đang gia tăng xây dựng, cung cấp nhà xưởng nhằm đón làn sóng đầu tư nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam.
Theo đó, cuối tháng 3/2018, Tập đoàn Amata Việt Nam đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để xây dựng một thành phố công nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh. Nhà phát triển hạ tầng công nghiệp Thái Lan này cũng đang triển khai dự án mới có diện tích 1.270ha ở Long Thành, Đồng Nai, trong đó 33% diện tích dành cho phát triển KCN…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2018, chủ trương của Chính phủ tiếp tục thu hút các dự án công nghệ cao và thân thiện với môi trường; khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và các thành phố thông minh; xây dựng các giải pháp cân bằng FDI và cho phép tập trung đầu tư vào các tỉnh khác… điều này sẽ thúc đẩy phân khúc BĐSCN phát triển.
Đặc biệt, Chính phủ vừa đồng ý cho TP. Hồ Chí Minh chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặt nhiều quan tâm đến thị trường logistic và rót vốn đầu tư nhiều vào hạ tầng cơ sở.
Theo kế hoạch phát triển đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực BĐSCN là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Tính đến tháng 6/2018, cả nước có 325 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 95 nghìn ha, trong đó 231 KCN đã đi vào hoạt động và 94 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 53%, riêng các KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 73%. |