Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hưởng lợi lớn từ ngành công nghiệp không khói
Du lịch thăng hoa, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng bứt phá
Phát biểu tại Diễn đàn bất động sản (BĐS) du lịch 2019 mới đây, TS. Hà Văn Siêu – Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Du lịch cho biết, thời gian qua du lịch Việt Nam có bước tăng trưởng mạnh mẽ, tạo nguồn động lực chủ yếu gia tăng giá trị và kích thích đầu tư vào BĐS du lịch ở những trung tâm du lịch lớn. "Tốc độ tăng trưởng du lịch rất ấn tượng, có năm lên tới 30% về lượng khách quốc tế. Sự lớn mạnh của ngành Du lịch đã kích thích đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ, mạng lưới phân phối, mang lại nguồn thu, gia tăng xuất khẩu, tạo việc làm... và lan tỏa đến tất cả các ngành, lĩnh vực liên quan, đặc biệt là đầu tư vào BĐS du lịch nghỉ dưỡng", ông Siêu nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, sự tăng trưởng du khách thời gian qua đã tạo làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng như villa, condotel, shophouse,… tại các trung tâm du lịch lớn, đặc biệt là các "thiên đường" du lịch biển như Hạ Long, Phú Quốc, Đà Nẵng,...
Lấy ví dụ, từ chỗ gần như không có tên trên bản đồ đầu tư BĐS, mấy năm gần đây, Phú Quốc đã nhanh chóng trở thành "vùng trũng" hút vốn đầu tư. Lý do chính là bởi sự bứt tốc về du lịch. Từ một hòn đảo xinh đẹp nhưng lại nghèo nàn về hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông, Phú Quốc đã vươn lên thành một trong những thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng hàng đầu với tốc độ tăng trưởng du lịch dẫn đầu cả nước. 6 tháng đầu năm Phú Quốc đón 2.265.257 lượt khách, tăng 35,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế gần 392.019 lượt, tăng 35,5% so với cùng kỳ; doanh thu đạt trên 3.829 tỷ đồng, tăng 40,8% so với cùng kỳ.
Chưa hết, hiện Phú Quốc đang "trỗi dậy" trở thành điểm đến cho giới siêu giàu thế giới khi mới đây cặp đôi tỷ phú Ấn Độ Rushang Shah và Kaabia Grewal đã chọn JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay tại Bãi Kem, Nam đảo làm nơi tổ chức lễ cưới triệu USD. Nỗ lực vươn tầm thế giới của Phú Quốc mới đây tiếp tục được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019: "Với vị thế đặc biệt của Phú Quốc, cần có tầm nhìn để biến đảo Ngọc thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng giải trí độc đáo mang đẳng cấp quốc tế. Chúng ta tập trung cho Phú Quốc phát triển không phải để cạnh tranh với các địa phương của Việt Nam mà để Phú Quốc cạnh tranh hiệu quả và sòng phẳng với các quốc gia khác".
Cùng với Phú Quốc ở miền Nam, Hạ Long (Quảng Ninh) ngày càng chứng tỏ là thị trường đầu tư hấp dẫn nhất miền Bắc nhờ "cú hích" về hạ tầng giao thông và du lịch. Sân bay, cảng biển, hệ thống cao tốc đồng bộ, các khu vui chơi giải trí quy mô và nhiều lễ hội sôi động liên tục diễn ra đã kéo lượng khách khổng lồ đổ về Quảng Ninh. Thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, Quảng Ninh đón gần 9 triệu lượt khách (gấp đôi Đà Nẵng và gấp gần 3 lần Nha Trang), trong đó khách quốc tế đạt 3,5 triệu khách.
Với tốc độ tăng trưởng du lịch mạnh mẽ, hạ tầng bứt phá, cùng sự đầu tư bài bản của những "ông lớn" như Sun Group, Hạ Long đang hướng tới một "thủ phủ" du lịch, giải trí của Việt Nam.
Hạ Long đang dần trở thành thủ phủ du lịch tại Việt Nam |
Quần thể BĐS nghỉ dưỡng lớn là tâm điểm trên thị trường
Du lịch phát triển ngoạn mục không chỉ tạo sức hút cho BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, mà còn tạo cơ hội cho những loại hình mới như shophouse.
Đánh giá về tính thanh khoản của các dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng trên thị trường, ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, khách nội địa 45 triệu lượt, trong khi hạ tầng du lịch nước ra vẫn chưa thể đáp ứng. Nếu tính trung bình mỗi khách quốc tế lưu trú 2 đêm thì số lượng phòng đã thiếu hụt rất lớn. Chưa hết, hiện nay khách nội địa có nhu cầu đi du lịch ngày càng cao bởi sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
"Du lịch phát triển mạnh nhưng hiện nay cơ sở hạ tầng lưu trú vẫn cực thiếu. Đặc biệt là hạ tầng dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm. Một số chủ đầu tư lớn bắt đầu nhận ra sự thiếu hụt này nên đã xây dựng những quần thể nghỉ dưỡng lớn theo hình thức "all in one" - có nghỉ dưỡng, có chỗ vui chơi, giải trí, mua sắm", ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Điển hình như quần thể du lịch Bãi Cháy gồm tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Halong Complex, khu nghỉ dưỡng Sun Premier Village Ha Long Bay, khu shophouse phong cách đa châu lục Sun Plaza Grand World, quảng trường Sun Carnival Plaza. Hoặc ở Phú Quốc có quần thể du lịch của Vingroup ở phía Bắc đảo, mới đây Nam đảo nổi lên nhanh chóng với quần thể tỷ USD của Sun Group.
"Bên cạnh những sản phẩm căn hộ nghỉ dưỡng, villa thì hiện nay nhiều chủ đầu tư lớn như Vingroup, Sun Group đang đầu tư mạnh mẽ vào shophouse tại các quần thể nghỉ dưỡng lớn. Đây là sản phẩm mới đang hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng", ông Nguyễn Văn Đính cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, nếu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài chi tiêu lên đến 1000-2000 USD, thì khách quốc tế đến Việt Nam chỉ quanh quẩn Ăn – Ngủ - Nghỉ bởi chúng ta thiếu những nơi cho họ tiêu tiền. "Chính vì vậy, việc phát triển mô hình shophouse tại các khu nghỉ dưỡng là hướng đi đúng đánh trúng nhu cầu đang thiếu hụt của thị trường. Đây cũng là nguyên nhân khiến thời gian vừa qua nhiều shophouse tại các tổ hợp nghỉ dưỡng lớn đạt tỷ lệ giao dịch cao", ông Đính khẳng định.
Về triển vọng thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam, GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, nếu so sánh tổng số các BĐS du lịch tại Việt Nam với một số nước mạnh về du lịch ở Đông Nam Á như Thái Lan chẳng hạn, thì số lượng của Việt Nam còn quá thấp. Trong khi, tăng trưởng du lịch của Việt Nam vẫn đang ở mức 30%/năm, thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Do đó, trong tầm nhìn dài hạn thì BĐS du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn rất tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển.