Bầu cử Mỹ 2024: ‘Trận chiến’ giành những lá phiếu lưỡng lự của ông Trump và bà Harris
Theo phân tích từ tờ Wall Street Journal, sát ngày bầu cử khi cả ông Trump và bà Harris đều chạy đua nước rút nhằm tiếp cận nhóm cử tri lưỡng lự, chiến lược của họ dường như không chỉ xoay quanh việc giành lấy lá phiếu mà còn tập trung vào việc khơi dậy mong muốn đi bầu từ nhóm cử tri chưa quyết định.
‘Trận chiến’ trên những lá phiếu chưa ngã ngũ
Theo các nhà phân tích, đối tượng chính của chiến dịch không phải những người hoàn toàn trung lập mà là các cử tri đã có xu hướng nhưng lại thiếu động lực tham gia bỏ phiếu. Nhóm cử tri này thường là những người ít đi bầu hoặc chỉ tham gia một số kỳ bầu cử nhất định. Họ đang trở thành mục tiêu hàng đầu của cả hai chiến dịch khi họ chiếm hơn 25% tổng số cử tri, chỉ có 3% trong số này vẫn đang phân vân chọn ứng viên.
Ông Bill McInturff, một chuyên gia thăm dò kỳ cựu của đảng Cộng hòa nhận định: “Vấn đề chính hiện nay không phải là lựa chọn ứng viên mà là việc liệu họ có đi bầu hay không”.
Theo ông, mức độ thành công trong việc động viên nhóm cử tri lưỡng lự này tham gia bỏ phiếu có thể tác động lớn hơn đến kết quả bầu cử so với việc tranh giành những cử tri vẫn chưa quyết định chọn giữa ông Trump và bà Harris. Đó là lý do MAGA Inc. - siêu ủy ban hành động chính trị ủng hộ ông Trump đã tung ra chiến dịch quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến từ đầu tháng 10, nhắm đến khoảng 3,5 triệu cử tri tại các bang chiến địa, những người có xu hướng ủng hộ ông Trump nhưng không thường xuyên đi bầu. Chiến dịch này còn mở rộng thêm để tiếp cận khoảng 4 triệu cử tri có thiện cảm với Đảng Cộng hòa nhưng đã không đi bỏ phiếu trong ba kỳ bầu cử tổng thống gần đây.
Trong cuộc đua sát nút, ông Donald Trump đang cố gắng chắt chiu từng lá phiếu ủng hộ mình. Ảnh: Getty Image |
Ở phía Đảng Dân chủ, Priorities USA - siêu ủy ban lớn của đảng Dân chủ cũng đang triển khai các chiến dịch quảng cáo có mục tiêu nhằm vào nhóm cử tri lưỡng lự. Nhóm cử tri này chiếm khoảng 11% tổng số cử tri. Các chuyên gia nhận định, nếu thành công việc lôi kéo số cử tri này thì đây sẽ là yếu tố quyết định trong cuộc bầu cử năm nay.
‘Trận chiến’ tâm lý trên mặt trận truyền thông số
Chiến dịch không chỉ nhắm đến việc kêu gọi cử tri đi bầu mà còn tận dụng yếu tố xã hội để tăng tỷ lệ đi bầu. Theo Wall Street Journal, quyết định đi bầu của nhóm cử tri ít khi tham gia có khả năng xoay chuyển kết quả bầu cử, đặc biệt là với nhóm cử tri đã có xu hướng lựa chọn rõ ràng. Trong đó, những cử tri có thói quen đi bầu đã tham gia hai kỳ bầu cử Tổng thống gần nhất lại nghiêng về bà Harris nhiều hơn với ít nhất 4 điểm phần trăm, tạo ra khoảng cách mà ông Trump phải tìm cách thu hẹp.
Theo một cuộc khảo sát cuối tháng 10 của Wall Street Journal, ông /chu-de/donald-trump.topic hiện đang dẫn trước bà Harris trong nhóm cử tri không thường xuyên đi bầu, đặc biệt là ở những người không tham gia hai kỳ bầu cử tổng thống gần nhất, dẫn trước bà Harris đến 14 điểm. Trong khi đó, bà Harris lại chiếm ưu thế trong nhóm cử tri trẻ dưới 26 tuổi - nhóm những người mới đủ tuổi tham gia bầu cử gần đây với mức dẫn trước tới 20 điểm.
Để tiếp cận những cử tri không thường xuyên đi bầu, cả hai chiến dịch đã tận dụng tối đa công nghệ và dữ liệu lớn, với các quảng cáo được thiết kế cá nhân hóa và xuất hiện trên các nền tảng truyền thông kỹ thuật số nhằm đảm bảo nhắm đúng đối tượng mục tiêu. Các quảng cáo được phát trên các nền tảng trực tuyến như YouTube, Hulu và các ứng dụng phát trực tuyến cho phép chiến dịch theo dõi và đo lường hiệu quả từng thông điệp. MAGA Inc. cho biế, trong khoảng 4 triệu cử tri tiềm năng mà họ nhắm đến, có khoảng 20% đã gửi phiếu bầu sớm cho thấy sức mạnh của chiến dịch quảng cáo có định hướng trong việc thúc đẩy hành vi cử tri.
Vào ngày 3/11, các chiến dịch của cả hai ứng viên sẽ đẩy mạnh các nỗ lực vận động cuối cùng để đảm bảo sự hiện diện của cử tri tại các phòng bỏ phiếu. Đảng Cộng hòa cho biết họ đã chuyển trọng tâm từ việc gõ cửa hàng loạt sang việc nhắm đến những cử tri ít có khả năng đi bầu. Ông Michael Whatley, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa phát biểu trên một podcast rằng, lần này họ tập trung gần như hoàn toàn vào những cử tri ít đi bầu, với hy vọng “kéo họ khỏi ghế sofa” để đi bầu.
"Trận chiến thư" trong những ngày cuối bầu cử
Thư vận động trực tiếp cũng là một trong những chiến thuật được sử dụng mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tỷ lệ đi bầu trong nhóm cử tri ít có động lực tham gia. Theo một nhóm dân chủ theo dõi thư vận động, các nhóm ủng hộ ông Trump trước đây đã chiếm ưu thế trong việc gửi thư tới cử tri. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9, chiến dịch của bà Harris và các đồng minh đã tăng cường số lượng thư gửi đi, đạt gần mức cân bằng với đảng Cộng hòa.
Các thư này không chỉ cung cấp thông tin mà còn sử dụng chiến thuật áp lực xã hội nhằm thúc đẩy cử tri ít đi bầu tham gia. Nhóm America PAC, do Elon Musk tài trợ đã gửi nhiều thư yêu cầu phiếu bầu vắng mặt kèm theo mẫu đăng ký. Trong khi đó, Center for Voter Information đã gửi thư hiển thị lịch sử đi bầu của người nhận và ngụ ý rằng hàng xóm của họ có thể biết nếu họ không đi bầu năm 2024. Theo ông Tom Lopach, chủ tịch nhóm này, các chiến dịch tạo áp lực xã hội có thể gia tăng tỷ lệ đi bầu từ 1 đến 2 điểm phần trăm, một con số không nhỏ khi kết quả bầu cử có thể chênh lệch nhỏ ở một số bang.
Nhiều chiến dịch quảng cáo và thư vận động nhấn mạnh đến trách nhiệm công dân, khi các nghiên cứu cho thấy, nhiều cử tri chỉ cần một động lực nhỏ để tham gia bỏ phiếu. Một nhà thăm dò trong chiến dịch của bà Harris giải thích: "Vấn đề không phải là họ đang phân vân chọn ứng viên nào, mà là cân nhắc lợi hại của việc đi bầu". Điểm khác biệt giữa nhóm cử tri ít đi bầu này là họ ít quan tâm đến tin tức và thường có xu hướng tham gia rất muộn vào cuộc đua.
Khi ngày bầu cử đến gần, cả hai chiến dịch hy vọng rằng những nỗ lực vận động cuối cùng sẽ mang lại kết quả tốt nhất, với hy vọng đưa số lượng cử tri đến phòng phiếu cao nhất có thể. Điều này không chỉ giúp đạt được lá phiếu mà còn là một biểu hiện của sức mạnh vận động và niềm tin vào việc thực thi trách nhiệm công dân.