Tài sản chứng khoán của ông Đoàn Nguyên Đức tăng hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2012.
CôngThương - Theo thống kê đối tác cung cấp dữ liệu là Công ty chứng khoán VnDirect, tính đến ngày 1/11, 100 người được coi là có tài sản tăng mạnh nhất trên sàn chứng khoán năm 2012 đã tích lũy thêm hơn 7.200 tỷ đồng từ cổ phiếu.
Trong một năm khó khăn của thị trường chứng khoán, nhiều cá nhân (trong đó đa phần là chủ doanh nghiệp) đã tiến hành mua thêm cổ phiếu đang nắm giữ. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến tài sản chứng khoán của họ phình to là sự tăng giá mạnh của các mã này so với mặt bằng chung khá ảm đạm của thị trường.
Ví dụ rõ nhất có thể thấy ở người đứng đầu danh sách tài sản chứng khoán tăng mạnh nhất trong năm: Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức. Trong vòng 10 tháng, Bầu Đức đã có 2 lần đăng ký mua vào cổ phiếu HAG với tổng khối lượng trên 8,4 triệu chứng khoán. Lượng mua thực tế của Đức sau đó chỉ khoảng 2,9 triệu, nhưng cũng đủ giúp ông sở hữu tổng cộng 259,67 triệu cổ phiếu HAG tại thời điểm thống kê, tương đương với 48,3% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Trong khi các cổ phiếu cùng ngành (xây dựng - phát triển bất động sản) khác đa phần đều lao dốc (có mã sụt đến 50 - 70% giá trị) thì HAG, mặc dù gặp nhiều thông tin bất lợi như nợ thuế, xếp hạng tín nhiệm tiêu cực… vẫn tăng khá mạnh trong giai đoạn giữa năm (từ 17.300 đồng lên mức cao nhất là 32.100 đồng một cổ phiếu). Giá chứng khoán này sau đó hạ nhiệt và chốt phiên 1/11 ở 20.900 đồng. Tuy nhiên, mốc này vẫn cao hơn so với thời điểm đầu năm khoảng 20% và giúp ông Đoàn Nguyên Đức có thêm gần 1.024 tỷ đồng tài sản chứng khoán sau 10 tháng của năm 2012.
Người “giỏi kiếm tiền” thứ nhì trên sàn chứng khoán năm nay, sau Bầu Đức là Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen - Lê Phước Vũ. Kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ thị trường bất động sản đang trầm lắng nhưng cổ phiếu HSG vẫn có diễn biến khá thuận lợi trong năm qua.
Từ mức 7.600 đồng hồi đầu năm, giá mỗi cổ phiếu HSG đã tăng mạnh lên trên 19.900 đồng vào giữa năm và khá ổn định kể từ thời điểm đó. Kết phiên 1/11, giá cổ phiếu này giảm xuống còn 17.600 đồng nhưng vẫn cao hơn tới 130% so với đầu năm. Chính vì diễn biến này nên mặc dù tổng số cổ phiếu nắm giữ không đổi trong năm 2012, nhưng ông Lê Phước Vũ vẫn có thêm gần 392 tỷ đồng giá trị cổ phiếu.
Một trường hợp cũng rất đáng chú ý trong danh sách này là tài sản cổ phiếu của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long. Tính đến ngày 1/11, ông này đang sở hữu hơn 84,2 triệu cổ phiếu HPG, không thay đổi so với cuối năm 2011. Do giá HPG cũng tăng khá mạnh trong năm qua nên tài sản của ông Long tăng khoảng 193 tỷ đồng, lên gần 1.533 tỷ và chỉ đứng thứ 11 trong danh sách những người có tài sản tăng mạnh nhất trong năm.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát, trong tháng 11 và 12 này, doanh nghiệp sẽ tiến hành chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2011 (tỷ lệ 20%) và tạm ứng cho 2012 (tỷ lệ 10%). Như vậy, trong 2 tháng cuối năm, tài sản chứng khoán của Chủ tịch Hòa Phát cũng như một số cổ đông khác của tập đoàn này nhiều khả năng sẽ có thay đổi lớn. Thứ hạng của họ trong danh sách những người giàu nhất sản chứng khoán, do đó, cũng sẽ có nhiều thay đổi.
Sau khi nhận cổ tức năm 2011 và tạm ứng 2012, mức tăng tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long sẽ đứng thứ 2 trên sàn chứng khoán. Ảnh: HPG |
Nhìn chung, hầu hết các cá nhân có tài sản chứng khoán tăng trong vòng 10 tháng qua cũng đều có đóng góp chủ yếu từ việc cổ phiếu tăng giá. Thống kê trong Top 30 của danh sách, ngoại trừ trường hợp mới trở thành cổ đông của Sacombank trong năm nay (giá STB giảm so với đầu năm), tất cả các trường hợp còn lại đều đang nắm giữ cổ phiếu tăng giá so với thời điểm 1/1/2012.
Danh sách những cá nhân có tài sản chứng khoán tăng mạnh nhất trong năm 2012, bên cạnh những thống kê nêu trên, cũng chứng kiến sự lên ngôi của các doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh - chế biến nông sản, thủy hải sản với 21 đại diện, trong đó có những tên tuổi như bà Chu Thị Bình, ông Lê Văn Quang (Thủy sản Minh Phú - lần lượt xếp hạng 3, 4), ông Lương Ngọc Minh (Thủy sản Hùng Vương, xếp hạng 6)… Cùng với đó là các đại diện của ngành thép (20 người), thực phẩm (14 người).
Trong một năm u ám của thị trường bất động sản, tài chính, số đại diện của các ngành này trong danh sách của những người “chiến thắng” trên thị trường chứng khoán cũng hao hụt đi khá nhiều. Số đại diện lĩnh lực bất động sản chỉ là 12 (ngoài Bầu Đức còn có ông Đặng Hồng Anh của Sacomreal, ông Hà Văn Thắm của Tập đoàn Đại Dương, ông Lương Trí Thìn của Đất Xanh…) trong khi số doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng chỉ là 10.
Trong 10 tháng của năm 2012, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup biến động khá mạnh nhưng chốt phiên 1/11, chứng khoán này đóng cửa ở giả 78.000 đồng, giảm nhẹ so với giá 78.040 đồng của thời điểm đầu năm. Do diễn biến này mà ông Phạm Nhật Vượng - người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2011, đồng thời đang nắm gần 215 triệu cổ phiếu này, không có mặt trong danh sách những cá nhân có tài sản tăng mạnh nhất sau 10 tháng. Tuy nhiên, với tài sản chứng khoán ước gần 16.760 tỷ đồng, ông Vượng vẫn đang có một vị thế tương đối vững chắc trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm nay.
15 người kiếm tiền giỏi nhất sàn chứng khoán 2012*