Ông Kohei Sakata - Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam - tham gia phần thảo luận “Nâng cao giá trị và chất lượng lúa gạo Việt Nam” |
Tăng cường hợp tác giữa khối nhà nước và tư nhân
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất lúa gạo và người nông dân Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ngày càng gia tăng. Một trong các mối quan tâm hàng đầu là tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long sau đợt hạn hán kéo dài, đẩy nước biển lấn sâu vào vùng canh tác nông nghiệp tại khu vực. Sản xuất lúa gạo giảm đến 1,1 triệu tấn theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO). Thêm vào đó, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam được dự báo sẽ giảm 14%, tương đương 5,65 triệu tấn trong năm 2016 và thấp hơn 800.000 tấn so với dự báo ban đầu.
Thực tế cho thấy, phần lớn nông dân Việt Nam là các nông hộ nhỏ lẻ nên họ thường không có điều kiện lưu trữ lúa gạo và thiếu khả năng thương thuyết với thương lái cũng như các cơ sở thu mua, xay lúa. Bayer Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đã chủ động hợp tác với nhiều đối tác trong khối nhà nước và tư nhân, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo thuận lợi cho việc trao đổi chuyên môn, kỹ thuật và các nguồn lực khác.
Có thể đơn cử nhiều chương trình do Bayer phối hợp với các tổ chức đã và đang thực hiện một cách hiệu quả. Theo đó, việc hợp tác với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) bắt đầu từ Sáng kiến phát triển sản xuất lúa gạo khu vực châu Á, qua đó củng cố toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo thông qua các chương trình đào tạo nâng cao năng lực và người nông dân có cơ hội nâng cao kiến thức và tiếp cận các phương pháp canh tác nông nghiệp bền vững. Từ khi triển khai chương trình, Bayer, GIZ và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tổ chức các buổi tập huấn về canh tác nông nghiệp thông minh cho khoảng 50 nhân viên tại địa phương và các trưởng nhóm nông dân, là đội ngũ đã nhân rộng kiến thức từ các khóa tập huấn đến với gần 750 nhà nông; đến năm 2017 dự kiến sẽ có 1.500 nông dân được trang bị các kiến thức này. Hiện tại, có ít nhất 3.000 nông dân tại 3 tỉnh đã ứng dụng hệ thống canh tác nông nghiệp thông minh tại Việt Nam. Kết quả bước đầu cho thấy, nông dân tăng 20% lợi nhuận với khoảng 270 tấn gạo chất lượng cao (theo tiêu chuẩn mới) được sản xuất.
Trong tham luận tại hội thảo, ông Kohei Sakata - Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam - chia sẻ về dự án Chuỗi giá trị lúa gạo mà Bayer đã bắt đầu từ năm 2013. Các nông dân tham gia dự án đã giảm được trung bình 9% chi phí đầu vào, tăng 6% năng suất, qua đó lợi nhuận tăng gần 30%. Ngoài ra, Bayer cùng với các đối tác của mình trong dự án đã hỗ trợ thúc đẩy việc sản xuất gạo chất lượng cao, đồng thời truyền lại các ví dụ thực hành xuất sắc và các trường hợp thành công khác nhau.
“Nhu cầu hợp tác nhiều và chặt chẽ hơn nữa trong toàn bộ chuỗi giá trị là cần thiết hơn bao giờ hết. Bằng việc kết nối các nông hộ nhỏ lẻ với các đối tác thuộc chuỗi giá trị như nhà máy xay lúa, các nhà phân phối và bán lẻ, đồng thời với các đơn vị chế biến thực phẩm toàn cầu, Bayer mong muốn tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn trong việc bán các sản phẩm mình thu hoạch được và đảm bảo về giá cho sản phẩm của họ” - ông Kohei Sakata cho biết.
Bayer là thành viên của CropLife Việt Nam - một tổ chức quốc tế hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận thúc đẩy các hoạt động của ngành khoa học cây trồng. Cùng với tổ chức này, thông qua chương trình trách nhiệm của nhà sản xuất, Bayer đã mang đến cho nông dân Việt Nam nhiều khóa tập huấn, giúp họ sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật an toàn và có trách nhiệm. Công ty còn cung cấp các tài liệu hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng sản phẩm an toàn, tầm quan trọng của quần áo bảo hộ, bảo quản và xử lý các sản phẩm đúng cách. |
Bắt tay nỗ lực nâng cao giá trị thương hiệu gạo Việt |
Dẫn đầu về sáng tạo và nền tảng bền vững chiến lược
Hiện nay, chế phẩm sinh học ngày càng được đông đảo nông dân chấp nhận như là một phần cơ bản trong mục tiêu bảo vệ thực vật, bởi phương pháp này đạt các tiêu chuẩn cao trong quản lý sâu bệnh.
Ngoài các phương pháp bảo vệ thực vật bằng sinh học hoặc hóa học, kể từ khi thành lập Trung tâm Ứng dụng công nghệ xử lý hạt giống Bayer vào năm 2014, người nông dân Việt Nam đã có cơ hội sử dụng các phương pháp xử lý hạt giống hiện đại, cung cấp hệ thống tổng hợp trong ứng dụng hạt giống, giúp giảm thiểu ảnh hưởng của côn trùng và bệnh hại cũng như giảm thiểu việc sử dụng và thao tác với hóa chất. Bằng việc giới thiệu công nghệ mới và mang công nghệ này đến gần người nông dân, Bayer tiên phong trong việc cung cấp cho người nông dân giải pháp kiểm soát bệnh đạo ôn từ khâu gieo hạt mà không làm thay đổi quy trình ngâm ủ hạt giống truyền thống của nông dân.
Hợp tác cùng Viện Nghiên cứu lúa gạo Cần Thơ, Bayer Việt Nam giới thiệu giải pháp sáng tạo giúp người nông dân kiểm soát cỏ dại hiệu quả hơn qua áp dụng kỹ thuật sạ khô. Phương pháp này được đánh giá có khả năng thay thế kỹ thuật trồng lúa nước trong điều kiện khô hạn, theo đó hạt giống được gieo trực tiếp vào đất khô mà không cần qua giai đoạn vườn ươm. Sau khi được gieo, hạt giống có thể tồn tại trong đất khô từ 15 - 20 ngày và sẽ nảy mầm khi có độ ẩm thích hợp. Sạ khô là một giải pháp bền vững và khả thi, dựa trên sự kết hợp năng suất đáng kể và việc sử dụng các nguồn tài nguyên hiệu quả hơn. Bayer cũng giúp nông dân vượt qua thử thách hạn hán bằng cách cung cấp các giải pháp quản lý cỏ dại tiên tiến, thiết thực và kinh tế nhất, để nhà nông vững tâm áp dụng phương pháp này.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và phát triển các giống lúa giống lúa lai BTE1 và TEJ Vàng đã giúp người nông dân đối mặt với các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Lúa lai của Bayer năng suất cao hơn 20%, khả năng chống chịu tốt hơn và do hệ thống rễ phát triển mạnh nên có khả năng hấp thu nước và chất dinh dưỡng tối ưu.
Tuy nhiên, giống lúa phù hợp và phương pháp canh tác cải tiến là hai yếu tố giúp nâng cao năng suất canh tác lúa, nhưng nhiều nông hộ nhỏ lẻ tại Việt Nam lại không có đủ khả năng để đầu tư vào các công nghệ mới này. Đây là cơ sở thúc đẩy Bayer phát triển Sáng kiến “Much More Rice”. Ra mắt tại Việt Nam vào năm 2010, sáng kiến này cung cấp cho nhà nông các giải pháp bảo vệ thực vật, các kiến thức về nông nghiệp bao gồm các khóa huấn luyện và áp dụng giải pháp nông nghiệp an toàn. Người nông dân tham gia chương trình đã có thể tăng năng suất lên đến 19% và lợi nhuận bình quân thậm chí lên đến 22%.