Doanh nghiệp công nghệ số đi ra thế giới: Cần thêm những "cánh chim đầu đàn" Nền tảng công nghệ số thúc đẩy dịch vụ tài chính bán lẻ Việt Nam có 71.500 doanh nghiệp công nghệ số đăng ký và hoạt động |
Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” là Giải thưởng uy tín, chính thức trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông để trao tặng hàng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam nhằm giải các bài toán Việt Nam và đi ra quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại buổi họp báo |
Việc tổ chức Giải thưởng này là một trong những hoạt động quan trọng để cụ thể hoá Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Năm 2023 là năm thứ tư Giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, mang tự hào trí tuệ Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam đồng thời tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và làm thịnh vượng Việt Nam.
Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam (nếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì người Việt Nam phải sở hữu ít nhất 51% tổng số cổ phần) và đơn vị, tổ chức sự nghiệp có các sản phẩm công nghệ số được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam và đã được đưa vào ứng dụng thực tế. Đối với hạng mục giải thưởng sản phẩm số tiềm năng, chỉ áp dụng đối với các tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2023 có những điểm mới so với năm trước: Các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được trao giải theo 5 hạng mục gồm: 4 hạng mục được giữ nguyên như năm 2022 là sản phẩm số xuất sắc cho chính phủ số; sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số; sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số; sản phẩm số tiềm năng.
Đặc biệt, năm 2023 là năm Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, do vậy, Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2023 bổ sung hạng mục mới thứ 5 là sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài.
Hạng mục này nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số xuất sắc đã thành công tại thị trường quốc tế đồng thời khuyến khích, cổ vũ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khát khao chinh phục thế giới.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam bắt đầu từ năm 2020, đã tạo ra những hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy hơn nữa cho sự phát triển ngành công nghiệp ICT Việt Nam. Nhiều sản phẩm đạt giải đã đóng góp quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số của các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, người dân.
Do vậy, đã được ứng dụng rộng rãi khắp nơi, có những sản phẩm đã góp phần thay đổi lớn cuộc sống ở nhiều bản làng xa xôi, khó khăn mà trước đây chúng ta suy nghĩ phải rất lâu nữa mới có thể giải quyết được. Người dân có thể quảng bá, bán sản phẩm tới mọi nơi, với chi phí phù hợp; được tiếp cận với những dịch vụ y tế chất lượng cao qua các giải pháp telemedicine; học tập từ xa, làm việc từ xa, tiếp cận kiến thức, thông tin phục vụ đời sống,…
“Đây là Giải thưởng mang tầm quốc gia về sản phẩm công nghệ số, với qui mô lớn trên toàn quốc, qui tụ mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong giới ICT nước nhà. Quy tụ những sản phẩm, giải pháp xuất sắc đã đạt giải cao của các Hội, Hiệp hội về ICT trong nước” - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định một số quan điểm, định hướng lớn như: Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia; năm 2023 là năm tạo ra các kết quả thiết thực; năm 2023 cũng là năm đưa doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và làm thịnh vượng Việt Nam...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân. Chỉ khi nào toàn bộ người dân sử dụng các nền tảng số, các ứng dụng số để phục vụ việc làm ăn, sinh hoạt hàng ngày thì chuyển đổi số khi đó mới là thành công. Những năm qua, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển được nhiều nền tảng số, ứng dụng số.
“Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đồng hành cùng các doanh nghiệp đoạt giải để đưa các sản phẩm công nghệ số này có thị trường rộng lớn hơn, đi xa hơn” - ông Dũng nói.