Ông Trần Văn Đấu - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre - cho biết, hiện nay, việc ứng dụng TMĐT, mua sắm hàng hóa, dịch vụ qua mạng trên địa bàn tỉnh ngày càng phổ biến, người tiêu dùng, nhất là giới trẻ ngày càng quan tâm và đặt niềm tin vào việc mua sắm online, những trang mua sắm chuyên nghiệp được đầu tư bài bản như Sendo, Shopee, Tiki, Adayroi, Lazada… ngày càng được chú ý.
Hiện nay, Bến Tre có 64 doanh nghiệp (DN) sử dụng website TMĐT đã đăng ký với Bộ Công Thương, sản phẩm giao dịch chủ yếu là sản phẩm từ dừa, thủy sản và một số đặc sản khác của địa phương. Theo báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2019, chỉ số TMĐT của Bến Tre đạt 37,6 điểm, xếp hạng 28/54 tỉnh, thành được khảo sát.
Sản phẩm giao dịch chủ yếu được bán qua website TMĐT của tỉnh Bến Tre là sản phẩm từ dừa, thủy sản và một số đặc sản khác của địa phương |
Theo ông Đấu, thời gian qua, Sở Công Thương Bến Tre cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, tham gia bán hàng trên các trang TMĐT như Amazon, Lazada... Đặc biêt Sở Công Thương Bến Tre đã phối hợp với Lazada triển khai chương trình “Ngày của làng dừa Bến Tre”, đưa các sản phẩm ngành dừa Bến Tre quảng bá rộng khắp và bán hàng trên kênh TMĐT Lazada.
"Bên cạnh đó, sự kiện “Ngày của làng dừa Bến Tre” là sự kiện đầu tiên trong chuỗi chương trình “Đưa thương mại điện tử về nông thôn” do LAZADA tiên phong thực hiện với sự hỗ trợ của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định" - ông Đấu chia sẻ.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, vào ngày 20/5/2019, trên trang TMĐT Lazada.vn đã chạy chương trình “Ngày của làng dừa Bến Tre online”, có 289 loại sản phẩm của 16 DN, hợp tác xã, làng nghề ngành dừa Bến Tre tham gia chương trình, bán được 1.877 sản phẩm. Các sản phẩm ngành dừa đa dạng chủng loại, phong phú kiểu dáng thuộc nhiều nhóm sản phẩm.
Các loại nước dừa của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề ngành dừa Bến Tre tham gia chương trình, bán hàng trên trang TMĐT Lazada.vn |
Những sản phẩm từ dừa được đưa lên tốp đầu trang Lazada.vn và giao diện trang TMĐT này đã chuyển sang màu xanh cây dừa với nhiều thiết kế hình ảnh cây dừa, trái dừa, cơm dừa rất thu hút. Đồng thời, Lazada cũng đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mại cho khách hàng.
“Hiện nay, Sở Công Thương Bến Tre đang tiếp tục phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam triển khai các hoạt động hỗ trợ DN của địa phương đẩy mạnh các hoạt động TMĐT của tỉnh nhà, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận môi trường, hệ sinh thái phát triển TMĐT hiệu quả và bền vững” - ông Đấu chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Đấu cho rằng, bên cạnh những thành quả đạt được, TMĐT tỉnh Bến Tre hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể nguồn nhân lực TMĐT trong các DN còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ chuyên trách TMĐT còn thiếu; nhiều DN chưa thật sự quan tâm, chú trọng ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Công nghệ thông tin (CNTT) chưa phát triển....
Bên cạnh đó, ngân sách hỗ trợ các thành phần kinh tế ứng dụng TMĐT tuy được quan tâm nhưng chưa nhiều, chưa tương xứng với yêu cầu của các DN. Việc triển khai ứng dụng TMĐT ở các DN hiện ở giai đoạn bắt đầu nên hiệu quả chưa cao.
Các sản phẩm của Bến Tre được bán trên Lazada |
Phần lớn DN trên địa bàn là DN vừa và nhỏ, qui mô hạn chế, chưa chú trọng đến ứng dụng CNTT và TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều DN khả năng tài chính có hạn, thiếu nguồn nhân lực để có thể quản lý và ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh. Kinh doanh theo phương thức truyền thống là một trong những rào cản lớn để phát triển TMĐT của các DN. Nguồn nhân lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực TMĐT còn thiếu và yếu, trong khi TMĐT ngày càng phát triển với tốc độ nhanh; việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập.
Thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn, để thu hẹp khoảng cách giữa Bến Tre và các địa phương đang phát triển mạnh về TMĐT.
Thời gian tới, Sở Công Thương Bến Tre đề nghị Cục TMĐT và Kinh tế số tiếp tục quan tâm hỗ trợ địa phương đẩy mạnh việc ứng dụng, phát triển TMĐT ở các DN trên địa bàn, thông qua Chương trình phát triển TMĐT quốc gia tiếp tục hỗ trợ địa phương xây dựng các đề án ứng dụng TMĐT ở các DN trên địa bàn; đặc biệt là hỗ trợ công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước và quản lý TMĐT ở các DN. |