Bệnh viện vẫn thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ: Lỗi có phải chỉ ở công tác đấu thầu?
Thiếu từ thuốc đến bông gạc, kim truyền
Mặc dù đã cải thiện nhiều nhưng đến nay tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn diễn ra cục bộ tại một số cơ sở y tế công lập. Báo chí phản ánh, nhiều bệnh nhân truyền hóa chất điều trị ung thư đến viện vẫn phải mua dây và kim truyền.
Không ít người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế vẫn phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài. Ảnh: TT |
Thậm chí có trường hợp trong quá trình mổ, mặc dù có thẻ bảo hiểm y tế nhưng bác sĩ yêu cầu gia đình phải mua băng gạc ở ngoài. Chia sẻ của người nhà bệnh nhân, mỗi vật tư y tế chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn thế nhưng việc để bệnh nhân tự đi mua gây không ít phiền toái.
Về vấn đề người bệnh phải tự mua thuốc, đại diện một số bệnh viện cũng thừa nhận còn một số vướng mắc trong mua sắm thuốc, vật tư. Có bệnh viện vẫn còn một số vật tư chưa trúng thầu.
Thông tin gửi báo chí của Bộ Y tế mới đây có đưa ý kiến của ông Hoàng Cương - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) - cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Y tế liên tiếp tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến quy định mới của pháp luật về đấu thầu trực tiếp và trực tuyến đến từng cơ sở y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã làm việc trực tiếp với một số cơ sở y tế địa phương hướng dẫn trực tiếp.
Qua kiểm tra rà soát, Bộ Y tế thấy có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện, do nguyên nhân là trong đầu năm 2024, các bệnh viện áp dụng Luật Đấu thầu mới nên việc áp dụng còn chậm trễ. Một số gói thầu đưa ra những quy định chưa phù hợp dẫn đến không lựa chọn được nhà thầu, phải hủy thầu để đấu thầu lại.
“Về cơ bản, các vướng mắc chủ yếu từ phía cơ sở y tế trong quá trình thực thi là do chưa có cách hiểu thống nhất. Một số địa phương đã ban hành quy định phân cấp triệt để cho các cơ sở y tế, bệnh viện quyết định việc mua sắm nhưng cũng có một số địa phương lại phân cấp ở mức vừa phải. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian mua sắm vì phải qua các bước trình duyệt, thẩm định trung gian”, ông Cương nói; đồng thời cho biết thêm, những vướng mắc phát sinh kể từ khi văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu được ban hành không phải là nguyên nhân chủ chốt. Bằng chứng là nhiều địa phương, bệnh viện đã đấu thầu và không gặp vướng mắc gì. Tuy nhiên, một số bệnh viện khác lại xảy ra vướng mắc.
Theo ông Cương, khó khăn của địa phương tập trung chủ yếu xoay quanh các nội dung: Thủ tục thẩm định, phê duyệt tại một số địa phương còn phức tạp; có địa phương còn chưa phân cấp triệt để cho các bệnh viện trong việc quyết định mua sắm; việc thu thập báo giá, thông tin để xác định giá gói thầu còn có cách hiểu chưa thống nhất như việc xác định giá gói thầu theo báo giá cao nhất, thấp nhất hay trung bình; khó khăn trong việc phê duyệt dự toán ngân sách dành cho mua sắm; việc đánh giá về xuất xứ của hàng hóa mà nhà thầu nêu trong hồ sơ dự thầu; một số bệnh viện chưa mạnh dạn quyết định mua sắm cho 2-3 năm thay vì chỉ đấu thầu theo từng năm như trước đây…
Thanh toán cho người bệnh mua thuốc bên ngoài có khả thi?
Trước thực tế thiếu thuốc và vật tư y tế kéo dài, thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều đề xuất, xây dựng chính sách để đảm bảo quyền lợi của người bệnh. Trong đó Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế được cho là một trong những giải pháp tình thế giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư.
Tuy nhiên, nếu chiếu theo điều kiện, tiêu chí và định mức để được thanh toán thì người bệnh cũng không dễ thực hiện. Thông tư của Bộ Y tế nêu rõ, tại thời điểm kê đơn thuốc, chỉ định sử dụng thiết bị y tế phải bảo đảm các điều kiện:
Thứ nhất, không có thuốc, thiết bị y tế do đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được duyệt; đồng thời, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thuốc thương mại nào chứa hoạt chất mà người bệnh được kê đơn hoặc cùng hoạt chất nhưng khác nồng độ hoặc hàm lượng hoặc dạng bào chế hoặc đường dùng và không thể thay thế để kê đơn cho người bệnh; không có thiết bị y tế mà người bệnh được chỉ định sử dụng và không có thiết bị y tế để thay thế.
Thứ hai, không chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thuộc một trong các trường hợp: Tình trạng sức khỏe, bệnh lý người bệnh được xác định không đủ điều kiện để chuyển; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đang khám và điều trị đang trong thời gian cách ly y tế theo quy định của pháp luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đang khám và điều trị là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Thứ ba, không thể điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, thuốc, thiết bị y tế được kê đơn, chỉ định sử dụng phải phù hợp với phạm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đã được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.
Thứ năm, thuốc, thiết bị y tế được kê đơn, chỉ định sử dụng phải thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Chính người trong ngành cũng phải thốt lên rằng, việc thực hiện thanh toán không hề dễ, bởi không phải bất kỳ loại thuốc mua ngoài nào cũng được lấy hóa đơn về cho bảo hiểm y tế thanh toán, mà phải là thuốc bảo hiểm y tế cần thiết cho điều trị bệnh, đang được dùng trong bệnh viện, nay vì lý do khách quan nào đó mà hết, bệnh viện cũng không có thuốc khác thay thế, tạm thời người bệnh phải tự bỏ tiền ra mua.
Tiếp đến phải xác minh bệnh có đúng là cần thuốc này, thuốc này có đúng bệnh viện đã hết và không có thuốc tương đương thay thế? xác minh các hóa đơn, xem giá thuốc có nằm trong khung giá hợp lý không? Trong khi mỗi bệnh viện có một tình trạng thuốc khác nhau, vậy lấy nhân lực ở đâu để xác minh tất cả từng đó đơn thuốc là hợp lý hay không?... Với sự rắc rối như vậy, bảo hiểm y tế có thực sự còn ý nghĩa trong bối cảnh tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế hiện đã bao phủ hơn 93% dân số.
Bộ Y tế cho biết, hiện Chính phủ giao Bộ Y tế tiếp tục rà soát, để đề xuất sửa đổi theo thẩm quyền đối với nội dung trong quá trình thực hiện còn vướng mắc hoặc chưa phù hợp với thực tế. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng sổ tay hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện công tác đấu thầu để các bệnh viện tham khảo, áp dụng.
“Chúng tôi đang triển khai nhiệm vụ này. Sắp tới, trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp vướng mắc của các bệnh viện để ban hành sổ tay, theo tinh thần cầm tay chỉ việc. Các bệnh viện có thể tham khảo để thực hiện đấu thầu, mua sắm. Tránh việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đẩy nhiệm vụ của mình lên cấp trên", ông Cương cho biết.