Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về xu hướng thay đổi hành vi của doanh nghiệp gần đây?
Theo một khảo sát của E&Y năm 2019 tại 30 quốc gia cho thấy 81% doanh nghiệp đang có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ chuyển đổi số trong giai đoạn 5 năm tới. Nhu cầu và hành vi của khách hàng cũng thay đổi theo hướng: đòi hỏi trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số vượt trội, cấp tín dụng tức thời, thanh toán theo thời gian thực với chi phí thấp, đồng thời kỳ vọng Ngân hàng trở thành nơi dịch vụ một cửa (one-stop-shop) cung cấp thông tin, tư vấn thị trường, giải pháp kết nối.
Đặc biệt, sự bùng phát của dịch Covid 19, xét ở một góc độ tích cực, đang là chất xúc tác đẩy các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước. Kết quả một cuộc khảo sát tại Mỹ cho thấy các doanh nghiệp mong muốn cứ 4 trong số 7 giao dịch sẽ thực hiện online.
Ông Trần Long – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) |
Ngay tại BIDV, trong thời gian giãn cách xã hội, doanh nghiệp cũng rất quan tâm để đăng ký và sử dụng kênh trực tuyến BIDV iBank để thực hiện các giao dịch từ xa, gửi chứng từ sử dụng chữ ký số mà không cần mang đến địa điểm ngân hàng. Doanh số giao dịch bình quân tháng qua kênh ngân hàng số trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng vọt so với cùng kỳ 2019 là 106%.
Vậy các ứng dụng ngân hàng điện tử như BIDV iBank sẽ mang tới những lợi ích gì cho doanh nghiệp?
Các ứng dụng ngân hàng điện tử cho khách hàng doanh nghiệp đều có các đặc điểm chung như tương thích với tất cả các hệ điều hành, và có thể vận hành tối ưu, tùy biến trên mọi thiết bị điện tử có kết nối Internet như điện thoại, máy tính bảng. Cùng với phiên bản Internet Banking, phiên bản Mobile Banking cung cấp cho doanh nghiệp một kênh giao dịch hiện đại, thuận tiện và bảo mật, giúp khách hàng thực hiện giao dịch mọi lúc mọi nơi, vừa tiết kiệm đáng kể thời gian vừa tối ưu nguồn lực, vừa nắm bắt kịp thời các cơ hội kinh doanh.
Với BIDV iBank, doanh nghiệp có thể quản lý dòng tiền tập trung hiệu quả, dễ dàng quản lý các khoản doanh thu qua hệ thống tài khoản định danh. BIDV iBank còn có khả năng kết nối trực tiếp với hệ thống kế toán/ERP của doanh nghiệp. Ngoài ra, qua BIDV iBank, doanh nghiệp có thể thực hiện các giao dịch chuyển tiền trong nước và quốc tế; Thực hiện thanh toán lương; Gửi các chứng từ chứa chữ ký số mà không phải hoàn chứng từ gốc; Vấn tin, báo cáo thống kê tài khoản tiền gửi, tiền vay, bảo lãnh, các đơn vị chấp nhận thẻ…
BIDV đã phát triển BIDV iBank từ năm 2018, đến nay BIDV iBank đã thu hút hơn 45.000 khách hàng doanh nghiệp sử dụng. Nhiều tập đoàn, Tổng công ty lớn đang sử dụng BIDV iBank như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Vinaphone), Tập đoàn Vingroup, … BIDV iBank cũng là lựa chọn của rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa như Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Vi Mô, Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Thương Mại và Phát Triển Công Nghệ FSI, Công ty CP Công Nghệ Và Truyền Thông Samo…
Ngoài BIDV iBank, BIDV còn có các giải pháp số nào cho doanh nghiệp nữa không?
Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, BIDV đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm, dịch vụ và hình thành một kho tài sản số, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng như Thu chi hộ điện tử; Thanh toán hoá đơn Online; Business Online, Homebanking. BIDV cũng đã có nhiều sản phẩm tiên phong, dẫn đầu thị trường, được khách hàng đánh giá cao như Nộp thuế điện tử, Hải quan điện tử 24/7, Thanh toán song phương với Kho bạc nhà nước. Các sản phẩm dịch vụ số cho khách hàng doanh nghiệp của của BIDV đã có sự tăng trưởng tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch bình quân tháng qua kênh ngân hàng số đã tăng 19% so với năm trước.
Ông có thể chia sẻ thêm định hướng phát triển các sản phẩm số của ngân hàng để mang thêm tiện ích cho doanh nghiệp trong thời gian tới?
Trong thời gian tới, qua BIDV iBank, BIDV sẽ cung cấp các giải pháp quản trị tài chính thông qua tích hợp với hệ thống ERP của doanh nghiệp với phương thức như Host-to-host/Firm Banking/Ngân hàng mở (open API); tự động hóa các thao tác xử lý; tăng cường bảo mật trong giao dịch.
Đặc biệt, BIDV sẽ triển khai các giải pháp đột phá trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới như: xác thực số e-KYC cho phép khách hàng mở tài khoản, thực hiện giao dịch Ngân hàng mà không cần trực tiếp đến Ngân hàng; ứng dụng công nghệ Scraping, ứng dụng blockchain trong các giao dịch Tài trợ thương mại….
Chúng tôi xác định BIDV iBank là sản phẩm trọng tâm, là phương tiện nền tảng để tạo lập hệ sinh thái công nghệ trên đó cung cấp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ đáp ứng toàn diện nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Từ đó doanh nghiệp sẽ được hưởng thêm nhiều tiện ích vượt trội từ BIDV iBank.
Xin cảm ơn ông! (PV)