Tham dự tọa đàm có đại diện BIDV, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực dệt may và đại diện các doanh nghiệp (DN).
Mục đích của tọa đàm là nhằm cùng các cơ quan quản lý, các chuyên gia và DN phân tích, đánh giá về những cơ hội, khó khăn thách thức của ngành dệt may Việt Nam từ đó đưa ra những khuyến nghị và giải pháp hữu hiệu để đề xuất với cơ quan chính phủ sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách phát triển ngành dệt may nhằm tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức của ngành trong bối cảnh hội nhập. Với BIDV, các ý kiến tham gia, thảo luận của các đại biểu về cơ chế chính sách tín dụng, sản phẩm dịch vụ từ phía ngân hàng sẽ giúp BIDV hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sự phát triển cho các DN ngành dệt may trong thời gian tới.
BIDV là ngân hàng tiếp cận ngành dệt may từ khá sớm và đã thu hút được nhiều khách hàng truyền thống trong lĩnh vực này. Trong những năm gần đây, nhờ chính sách tập trung đẩy mạnh hoạt động tài trợ thương mại vào những ngành xuất khẩu có giá trị và hiệu quả, các chính sách ưu đãi cho nhóm khách hàng Vinatex, vì vậy hoạt động của BIDV trong ngành này đã tăng lên đáng kể.
Nhận thức được tiềm năng phát triển của ngành dệt may trong bối cảnh hội nhập, BIDV đã xếp ngành này vào nhóm ngành hàng trọng điểm cần gia tăng thị phần. Chính sách khách hàng của BIDV được triển khai theo hướng giảm lãi suất cho vay khách hàng, thủ tục phê duyệt linh hoạt, thuận tiện để hỗ trợ khách hàng tốt có thêm lợi thế trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó gia tăng dư nợ tín dụng và sử dụng sản phẩm dịch vụ tại BIDV. Hiện nay, BIDV cung cấp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ tới các DN dệt may từ sản phẩm tín dụng đến tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ, phái sinh, thanh toán, quản lý tiền tệ, ngân hàng điện tử…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT BIDV cũng đã phân tích, đánh giá tác động các Hiệp định thương mại tự do đến tổng thể nền kinh tế và ngành dệt may cũng như việc tham gia của BIDV trong quá trình này. Ông Hà nhấn mạnh: Việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo điều kiện cho hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó là các cơ hội gia tăng vốn đầu tư, các cơ hội về chiếm lĩnh thị trường trong nước và cải cách DN theo hướng tiếp cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững. Hiện đã có nhiều DN, chủ yếu là DN FDI đã tiến hành tìm hiểu về việc đầu tư vào các công đoạn sản xuất vật liệu nguồn như sợi, dệt, nhuộm nhằm đón đầu TPP để chủ động nắm bắt cơ hội.
Tham gia tọa đàm, đại diện các DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may cũng đồng quan điểm khi xác định, đi cùng với những cơ hội trên lại là những thách thức to lớn đối với các DN dệt may trong nước. Trước hết là năng lực cạnh tranh yếu, đa số các DN dệt may Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ, xu hướng gia nhập ngành của các DN nước ngoài vốn có lợi thế về quy mô, năng lực quản lý đang tạo nên sự cạnh tranh khắc nghiệt cho ngành. Bên cạnh đó là các rào cản mới từ bên ngoài do tác động của hội nhập như: Nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường, lao động; Thiết lập và duy trì môi trường đầu tư trong nước thuận lợi, tạo dựng nguồn nguyên liệu ổn định; Nâng cao năng lực, trình độ lao động ngành; Các vấn đề về hạ tầng như khả năng xử lý môi trường, hệ thống giao thông, dịch vụ vận tải, giao nhận, thương mại, tài chính…
Trong Top 50 DN hàng đầu về xuất khẩu dệt may hiện nay, thị phần tín dụng của BIDV đứng thứ hai. Dư nợ ngành dệt may đến hết năm 2014 của BIDV đạt 7.168 tỷ đồng, tăng trưởng 44,5% so với năm 2013, mức tăng trưởng cao nhất so với một số ngành có tỷ lệ xuất khẩu cao khác như thủy sản, gỗ, cao su tự nhiên… |