Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị loạt vướng mắc cần tháo gỡ Xuất khẩu tăng 23%, doanh nghiệp thủy sản đón nhiều đơn hàng mới Xuất khẩu thủy sản chờ cơ hội bứt tốc |
Đây là thông tin được bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết tại hội thảo "Khơi thông nguồn vốn ra thị trường", do Báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 5/4.
Chia sẻ về tình hình xuất khẩu thủy sản, bà Lan cho biết, năm 2023 vừa qua là năm ngành này bị ảnh hưởng nặng nề, giá trị xuất khẩu sụt giảm gần 20% và chỉ đạt 9 tỷ USD.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Ảnh: Quang Định |
Sang năm 2024, cụ thể là trong quý I năm nay, xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu khởi sắc trở lại khi đạt kim ngạch 2 tỷ USD, đóng góp lớn là sự tăng trưởng của ngành tôm. Tuy vậy, vốn là vấn đề khó khăn chung của các doanh nghiệp thủy sản hiện nay.
“Do các doanh nghiệp không có đơn hàng, các thị trường chính đều suy giảm đơn hàng nên ngại vay vốn. Còn với nhóm 20 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu thường vay USD song biến động tỷ giá không có lợi cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp chững lại về vay vốn, chờ những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường xuất khẩu lớn”- bà Lan cho biết.
Theo bà Lan, doanh nghiệp luôn mong muốn được vay USD, với lãi suất từ 2-4%/năm, nhưng với biến động của tỷ giá hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu đều phải vay vốn bằng USD với lãi suất 5%/năm. “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vay với mức lãi suất phổ biến là 6-7%. Còn với các doanh nghiệp nhỏ, không có tài sản thế chấp thì đang vay với lãi suất 8-8,5%”- bà Lan cho biết và chia sẻ rằng nhiều doanh nghiệp đang xem xét diễn biến của thị trường thay vì mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Từ khó khăn trên, VASEP kiến nghị các ngân hàng giảm thêm lãi suất USD xuống dưới 4%/năm và công bố rộng rãi hơn các gói tín dụng ưu đãi lãi vay.
Doanh nghiệp thủy sản đang xem xét diễn biến của thị trường thay vì mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. |
Liên quan vấn đề vốn, bà Nguyễn Thị Lộc, Giám đốc điều hành miền Nam Techcombank- cho biết, ngân hàng này đang triển khai hàng loạt gói cho vay ưu đãi cho từng đối tượng khách hàng. Trong đó, với khách hàng doanh nghiệp lớn, Techcombank triển khai gói ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng vay mới với mức lãi suất chỉ từ 5,5%/năm.
Với khách hàng hiện hữu, ngân hàng vẫn đang duy trì biểu lãi suất ưu đãi cho các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt cũng như chọn Techcombank là ngân hàng giao dịch chính, sử dụng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp do ngân hàng cung cấp với mức lãi suất dao động từ 4,5 - 6,5%/năm.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được phê duyệt trước với hạn mức tín dụng tới 20 tỉ đồng, tín chấp tới 10 tỷ đồng. Khách hàng cá nhân được hỗ trợ vay chuyển nhượng bất động sản đang thế chấp với lãi suất từ 5,5%/năm, miễn trả nợ gốc lên đến 24 tháng...
Đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, bà Lộc cho biết trong năm 2024, ngân hàng đã đưa ra định hướng quan trọng để phát triển thị trường miền Nam thông qua việc kết nối các hiệp hội lớn, tập trung vào các ngành nghề trọng điểm phát triển của thành phố và của Chính phủ.
“Kể từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi đã liên tục khơi thông các kênh kết nối liên lạc cùng các hiệp hội như Hiệp hội dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) và nhiều tổ chức, hiệp hội khác. Dù còn nhiều diễn biến khó lường, song bối cảnh kinh tế đất nước năm nay sẽ có nhiều tiềm năng phát triển và Techcombank cam kết đóng vai trò quan trọng về động lực tăng trưởng”- bà Lộc nói.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, với mức lãi suất cho vay ngoại tệ hiện nay, nhất là trước bối cảnh tỷ giá biến động hiện nay thì lãi suất cho vay ngoại tệ cũng là một trong những vẫn đề được quan tâm.
Ông Đào Minh Tú cũng cho biết, hiện các ngân hàng đã gia tăng gói tín dụng ưu đãi từ 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay khá cạnh tranh nên các doanh nghiệp có thể tiếp cận các ngân hàng để vay vốn ưu đãi.