Biến thể Omicron và thương mại toàn cầu: Kịch bản nào sẽ đến?
Thêm nguy cơ đứt gãy
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu vào năm 2021. Ban đầu chúng vốn được dự báo chỉ là vấn đề ngắn hạn, nhiều khả năng sẽ kéo dài đến năm 2022. Tuy nhiên, biến thể Delta đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất tại các nhà máy châu Á, làm gián đoạn vận chuyển, gây ra cú sốc cho nền kinh tế thế giới, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng khủng hoảng kéo dài.
Ngành logistics toàn cầu đang chịu nhiều thách thức |
Ngay khi các quốc gia mở cửa trở lại và cuộc khủng hoảng này dường như bắt đầu dịu dần thì lại xuất hiện một mối lo ngại mới - “siêu biến thể” Omicron vừa được phát hiện vào tháng trước tại Nam Phi. Không ít quan chức lãnh đạo của một số quốc gia lo ngại biến thể Omicron sẽ gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết, vẫn còn quá sớm để dự đoán nhưng bà cho rằng, biến thể Omicron có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhân công ở các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ. Người dân ngại phải làm việc trực tiếp và tiếp xúc gần nhau. Đã có một số đợt dịch bùng phát tại những nơi tập trung nhiều nhân công lao động.
Trong khi đó, bà Sian Fenner - chuyên gia kinh tế hàng đầu châu Á từ Công ty tư vấn tài chính Oxford Economies lại cho rằng, các chuỗi cung ứng vốn rất dễ bị tổn thương do liên tiếp gián đoạn vì đại dịch. Sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ giáng thêm đòn mới vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều quốc gia có thể sẽ thắt chặt biên giới trở lại
Kể từ khi biến chủng Omicron được phát hiện, liên tục có nhiều ca mắc chủng mới được tìm thấy tại Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Úc, Hong Kong... Do đó, một số chuyên gia cũng dự đoán các quốc gia sẽ kiểm soát biên giới gắt gao hơn.
Hiện chưa có ca mắc nào ở Trung Quốc tuy nhiên sau ca mắc mới ở Hong Kong, nhiều chuyên gia cũng dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách “zero - Covid 19” với các biện pháp nghiêm ngặt hơn như phong tỏa thành phố, cách ly bắt buộc, kiểm tra các cảng, tàu hàng... để ngăn nguy cơ có ca mắc mới.
Ông Per Hong - đối tác cấp cao của Công ty tư vấn Kearney cho rằng, nếu đóng cửa trở lại, không chỉ việc vận chuyển bị hạn chế, mà điều này còn gây ra sự thiếu hụt với các nguồn cung nguyên liệu thô, các thành phần sản xuất hàng hóa quan trọng. Kéo theo lượng đơn đặt hàng các sản phẩm như hàng điện tử, ôtô và đồ tiêu dùng cốt lõi cũng bị ảnh hưởng.
Phép thử đánh giá khả năng phục hồi
Theo ông Per Hong, dù chưa thể chắc chắn về mức độ ảnh hưởng của biến thể Omicron lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng đây cũng là một thử nghiệm để đánh giá khả năng phục hồi các chuỗi cung ứng.
Hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về mức độ ảnh hưởng của Omicron lên chuỗi cung ứng. Ngày 1/12 vừa qua tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn có những cái nhìn tích cực xoay quanh vấn đề này. Ông cho biết, nước Mỹ vẫn đang bước vào mùa lễ với tình hình rất tốt. Chính quyền của ông cũng sẽ có những biện pháp nỗ lực nhằm giảm bớt các vấn đề về chuỗi cung ứng trong kỳ nghỉ lễ.
Trao đổi với Fox News về mối nguy từ biến thể Omicron, ông Gene Seroka - Giám đốc Điều hành cảng Los Angeles lạc quan khi cho rằng, không có ngày nào chuỗi cung ứng không bị tác động bởi các nhân tố bên ngoài. Vì vậy phía cảng Los Angeles vẫn đang theo dõi chặt chẽ mỗi ngày.
Trong khi đó, bà Sian Fenner - chuyên gia kinh tế của Công ty tư vấn tài chính Oxford Economies lại lo ngại rằng, kể cả khi đã nối lại được quá trình sản xuất thì vẫn còn nhiều thách thức về mặt hậu cần, đặc biệt là vận tải biển và hàng không.
Đe dọa tới xuất khẩu
Dù Omicron có ảnh hưởng ít hay nhiều tới chuỗi cung ứng toàn cầu thì nhiều nhận định cho rằng, biến thể mới này vẫn sẽ đe dọa tới xuất khẩu khu vực, đặc biệt là một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam.
Theo Công ty nghiên cứu TS Lombard, Việt Nam là một nước xuất khẩu chủ chốt ở châu Á và sẽ sớm giành lại thị phần xuất khẩu lớn sau làn sóng Covid thứ ba. Đặc biệt là trong bối cảnh các công ty, doanh nghiệp lớn tại Mỹ và châu Âu đang dần chuyển dịch chuỗi cung tập trung từ Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực như Việt Nam, Indonesia hoặc Thái Lan.
Tuy nhiên, nếu Omicron lây lan mạnh mẽ hơn thì chúng có thể “dội một gáo nước lạnh” lên sự phục hồi xuất khẩu của cả khu vực Đông Nam Á và Việt Nam cũng sẽ không phải ngoại lệ.
Năm 2021, chưa tới một nửa số tàu biển tới cảng đúng thời gian dự tính. Tàu tới chậm liên tục khiến thời gian giao hàng chậm thêm cả tuần, trong khi năm 2018, 2019 chỉ chậm 4 ngày. |