Bình Dương: Nhiều nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Thông tin được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bình Dương nhấn mạnh tại Hội nghị thông tin công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong trạng thái bình thường mới, diễn ra ngày 15/9.
Dự kiến 3 phục hồi, mở cửa kinh tế theo 3 giai đoạn
Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND Bình Dương, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh - cho biết, về lộ trình, kế hoạch phục hồi kinh tế dựa trên nguyên tắc an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn và linh hoạt theo kết quả phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, thông tin về lộ trình, kế hoạch phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới |
Dự kiến sau ngày 15/9, tình hình dịch bệnh của Bình Dương từng bước sẽ được kiểm soát chặt chẽ và chuyển biến khả quan, mục tiêu mở rộng vùng xanh và khóa chặt, từng bước thu hẹp vùng đỏ sẽ được các cấp tập trung thực hiện hiệu quả, đặc biệt là khi việc tiêm ngừa vắc xin đạt đến mức miễn dịch cộng đồng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để Bình Dương sẽ sớm khôi phục và mở cửa kinh tế đi vào trạng thái hoạt động bình thường mới.
Về lộ trình khôi phục và mở cửa kinh tế, dự kiến Bình Dương thực hiện theo 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 từ ngày 15/9 - 31/10, Bình Dương ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các vùng xanh gồm các huyện phía Bắc: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, thị xã Bến Cát và TP. Thủ Dầu Một. Đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp khóa chặt vùng đỏ, điểm đỏ, mở rộng vùng xanh. Thần tốc xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Trong giai đoạn 2 từ sau ngày 31/10, nếu vắc xin được cung cấp liên tục, đầy đủ, khoảng đầu tháng 10/2021, Bình Dương sẽ hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho toàn bộ người dân trong tỉnh và đến ngày 31/10/2021 sẽ cơ bản đạt miễn nhiễm cộng đồng.
Đến giai đoạn 3 từ sau ngày 31/12/2021, trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn vùng đỏ, vùng vàng, Bình Dương sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội. Trong đó, một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch sẽ phải có tiêu chí điều kiện hoạt động.
Bình Dương từng bước mở cửa, hồi phục kinh tế với phương châm "An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn" |
Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn, tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành y tế, Bình Dương sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước đó hoặc quản lý chặt hơn.
Lãnh đạo UBND Bình Dương khẳng định, dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, song tuyệt đối không được chủ quan, nóng vội mở cửa, khôi phục lại các loại hình kinh doanh, dịch vụ, nhất là những địa phương chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Ngoài các lộ trình dự kiến, Bình Dương cũng có những giải pháp, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất. Cụ thể, về chính sách hỗ tín dụng, Bình Dương tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ DN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - DN; nắm bắt thông tin tình hình khó khăn DN và kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho DN trong tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng hỗ trợ các chính sách thuế, xây dựng phương án hỗ trợ DN tìm nguồn lao động thay thế, cũng như tiếp tục rà soát, cập nhật, đánh giá tình hình khó khăn của DN, người lao động, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định.
Đáng chú ý, về hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, UBND Bình Dương giao Sở Công Thương chủ trì cùng UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan, triển khai vận hành hiệu quả sàn thương mại điện tử tỉnh; hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa nội địa. Đồng thời, hỗ trợ DN tham gia các hội chợ, kênh thương mại trực tuyến để xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường mới.
Song song đó, Bình Dương đẩy mạnh hỗ trợ DN tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu; khai thác tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới, nhằm giới thiệu, quảng bá và xúc tiến xuất khẩu cho những nhóm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh của tỉnh…
Ngoài ra, UBND Bình Dương khuyến khích các đơn vị liên quan đến dịch vụ logistics, tài chính, thuế, hải quan... cải tiến và nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ DN xuất khẩu. Tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu…