Sản xuất công nghiệp khởi sắc
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, đến nay, đa số các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã tái khởi động, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh. Nhiều DN đã nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động nắm bắt cơ hội nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả trong tình hình mới.
Sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 của Bình Phước có nhiều khởi sắc, chuyển biến tích cực |
Theo đánh giá của Sở Công Thương Bình Phước, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã dần khởi sắc, có sự chuyển biến tích cực và dần lấy lại đà tăng trưởng cao trong tháng 10.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 10 năm 2021 tăng 4,15% so với tháng 9 và 15,54% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Phước tăng 14,81% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,72%, sản xuất chế biến thực phẩm tăng hơn 30%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 41,22%, sản xuất xe có động cơ tăng 31,10%…
Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 như: Hạt điều khô tăng 25,64%, gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản tăng 50,18%, thiết bị tín hiệu âm thanh khác tăng 31,10%. Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm như: Điện thương phẩm tăng gần 8%, giày dép có đế hoặc mũ bằng da giảm 14,24%..
Bên cạnh đó, hoạt động của các lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng dần phục hồi trở lại. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Bình Phước tháng 10/2021 đạt hơn 3.479 tỷ đồng, tăng 23,35% so với tháng trước, giảm 14,29% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 40.000 tỷ đồng, giảm 1,08% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ghi nhận, mặc dù phần lớn các DN tái khởi động, phục hồi lại sản xuất, vừa tích cực đổi mới mô hình, liên kết phát huy tiềm năng, thế mạnh để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa và hội nhập. Tuy nhiên vẫn còn một số DN tạm ngưng hoạt động do không đủ điều kiện thực hiện theo quy định hay thiếu lao động để khôi phục sản xuất…
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh
Xác định doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND Bình Phước khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ cũng như tạo điều kiện để DN khôi phục sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ DN khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản sau Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND Bình Phước đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh như: Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng, miễm giảm thuế, các giải pháp về thị trường, thu hút lao động, tăng cường liên kết DN tham gia vào chuỗi giá trị, đặc biệt DN lớn có vai trò dẫn dắt.
Bên cạnh đó, Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt, Bình Phước đã thành lập tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN phục hồi sản xuất, đồng thời tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng bảo đảm kết nối vùng với các địa phương vùng Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021, Bình Phước tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN nhanh chóng phục hồi sản xuất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” gắn với việc khôi phục kinh tế - xã hội.
Đến nay, Bình Phước đã có hơn 3.000/3.400 DN ngoài khu công nghiệp (KCN) với hơn 56.000/73.000 lao động làm việc trở lại. Riêng trong các KCN, khu chế xuất có gần 166/174 DN phục hồi sản xuất trở lại, với gần 43 nghìn lao động. |