Tây Ninh: Chủ động đảm bảo an toàn hồ đập, phòng chống thiên tai |
Thiên tai bất thường ở vùng đất bình yên
Ông Trần Văn Lộc - Phó Ban PCTT&TKCN tỉnh Bình Phước - cho biết, tỉnh Bình Phước không nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của các trận bão, áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên những thiên tai khác như hạn hán, lũ, lốc xoáy, sét gần đây đã xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, gây thiệt hại đáng kể về người, tài sản, cây trồng của người dân.
Cụ thể, từ tháng 2 đến đầu tháng 4/2020, địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước làm cho 5.157 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, 692,17ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng. Từ ngày 10/4 đến hết tháng 5/2020, Bình Phước có mưa trên diện rộng đã làm giảm đáng kể tình trạng nắng nóng, thiếu nước, tuy nhiên trong cơn mưa thường xảy ra gió giật, lốc xoáy đã làm 148 căn nhà bị thiệt hại, gãy đổ 192,3ha cây trồng và làm hư hại nhiều thiết bị, đồ dùng của người dân. Ước thiệt hại do mưa, lốc xoáy gây ra khoảng 20 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2019, tỉnh có 2 người thiệt mạng do nước lũ cuốn trôi; thiệt hại 234 căn nhà; 783,61ha cây trồng các loại; 8,425ha ao cá bị ngập và thiệt hại nhiều tài sản khác của người dân… với tổng giá trị khoảng 47,68 tỷ đồng.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương đã làm việc với UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Phước |
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Phước kiến nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp 10 công trình an toàn hồ chứa, giảm nhẹ thiên tai và 1 dự án di dân… với kinh phí khoảng 489 tỷ đồng. Đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho tỉnh lắp đặt các hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai, các trạm đo mưa tự động, xây dựng bản đồ ngập lụt để nâng cao năng lực cảnh báo lũ trên địa bàn tỉnh, kinh phí khoảng 5 tỷ đồng.
Ông Lê Minh Tuấn -Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Thác Mơ - cho biết, trong giai đoạn từ 2016 - 2018, Nhà máy thủy điện Thác Mơ chỉ xuất hiện lũ nhỏ và vừa. Năm 2019 xuất hiện lũ lịch sử, đỉnh lũ lên đến 1.849 m3/s. Năm 2020 được dự báo là năm có lưu lượng nước trung bình về hồ lớn hơn trung bình nhiều năm khoảng 15%, tập trung nhiều vào tháng 10 và tháng 11. Ngoại trừ trong năm 2017 có xả qua tràn với lưu lượng xả trung bình 4,62 m3/s, các năm còn lại đều không xả qua tràn, toàn bộ nước về hồ được sử dụng hiệu quả, đảm bảo nguồn nước cho hạ lưu. Trong giai đoạn đầu năm 2020, lưu lượng nước về hồ thấp hơn trung bình nhiều năm. Công tác vận hành nhà máy tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du.
Theo ông Tuấn, với kết quả kiểm định an toàn đập trong năm 2019, hệ thống hồ chứa, đập công trình thủy điện Thác Mơ trong trạng thái làm việc bình thường, vận hành an toàn và ổn định. Công ty đã xây dựng, lắp đặt đưa vào sử dụng 96 cột mốc cảnh báo ngập, tại các địa phương. Đã lắp đặt hệ thống còi báo động để cảnh báo xả nước qua đập tràn tại đập tràn, cầu thác Mẹ và vùng hạ du thôn An Lương.
Dù vậy, tại lòng hồ Thác Mơ hiện đang tồn tại một số vấn đề chưa được khắc phục. Cụ thể, tình trạng lấn chiếm đất bán ngập và sự phát triển tự phát các hộ dân chài khai thác thủy sản trên hồ chưa khắc phục triệt để. Vùng hạ du, sau đập tràn, vẫn còn một số trường hợp xây dựng các công trình tạm, công trình kiên cố chưa được xử lý triệt để... Để đảm bảo an toàn cho các đập và công trình, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hạ du, ông Tuấn đề nghị: UBND tỉnh Bình Phước chủ trì công tác xây dựng bản đồ ngập lụt cho hạ du của các nhà máy thủy điện trên dòng sông Bé. Chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng tiếp tục hỗ trợ công ty thực hiện tốt công tác bảo vệ lòng hồ, giải quyết khu làng chài trong lòng hồ để đảm bảo an toàn nguồn nước theo đúng quy định. Hỗ trợ và phối hợp với công ty giải quyết triệt để các trường hợp xâm lấn vùng bán ngập và canh tác cây công nghiệp lâu năm trong khu vực bảo vệ an toàn công trình.
Phối hợp tốt các lực lượng để giảm thiểu thiên tai
Đại tá Lê Đa Tịnh - Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước - cho biết, trong những năm qua, lục lượng bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước luôn quán triệt các chủ trương, chính sách về PCTT&TKCN trên địa bàn. Chủ động tốt phương châm “4 tại chỗ”, tiến hành mọi biện phám tiếp nhận các thông tin về thiên tai, tai nạn, duy trì nghiêm chế độ trực, tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các giải pháp phòng chống lâu dài cho nhân dân.
Để công tác PCTT&TKCN trên địa bàn Bình Phước đạt hiệu quả, đại tá Lê Đa Tịnh đề xuất: Hiện nay các vật chất, trang bị phục vụ nhiệm vụ PCTT&TKCN của đơn vị do tảng cấp lâu năm hầu hết đã xuống cấp, hư hỏng. Trong khi nguồn kinh phí đảm bảo để mua sắm, trang bị thêm hạn hẹp nên đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các bộ ngành, địa phương quan tâm hơn vấn đề này.
Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng - đánh giá cao Bình Phước đã làm tốt công tác PCTT&TKCN. Trong thời gian vừa qua tỉnh đã kiện toàn được lực lượng PCTT&TKCN cũng như xây dựng triển khai kế hoạch 5 năm; bước đầu đã áp dụng các thiêt bị tiên tiến để dự báo; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó có hai sự cố thiên tai năm 2019.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị chính quyền và các đơn vị tỉnh Bình Phước nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ban chỉ huy PCTT&TKCN; hình thành lực lượng xung kích, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để phòng chống thiên tai chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Cần lồng ghép công tác phòng chống thiên tai; thực hiện các biện pháp hạn chế nếu thiên tai xảy ra. Trong kế hoạch 5 năm tới, cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vì khi người dân nắm được thông tin, nhận thức đúng về thiên tại họ sẽ có giải pháp phòng chống. Mặt khác, cần tăng cường kiểm tra, đánh giá độ an toàn của trên 50 hồ đập để phòng vệ thiên tai an toàn hơn.