HĐND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị chủ đầu tư làm việc với công ty Nhật Hoàng để xác định lại chính xác thời gian đóng cửa bãi rác, phương án xử lý rác sau khi đóng cửa. Kỳ vọng đến hết tháng 6/2025, sau khi nhà máy xử lý rác Phan Thiết hoàn thiện việc nâng cấp, bãi rác Bình Tú sẽ được đóng cửa hoàn toàn.
Bình Thuận chi hơn 88 tỷ đồng đóng cửa bãi rác Bình Tú
Bãi rác Bình Tú có diện tích hơn 26 ha đang trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm hơn chục năm qua sẽ được chôn lấp, xử lý ô nhiễm, dự kiến đóng cửa vào giữa năm 2025.
Dự án nhằm mục tiêu xử lý triệt để lượng rác hiện có tại bãi rác Bình Tú để đóng cửa bãi rác nhằm đảm bảo môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 88,5 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục chính là xây dựng bãi chôn rác thải với diện tích khoảng 6,2 hecta. Hạng mục phụ gồm: Xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải và nhà điều hành, đường nội bộ, điện, nước, sân vườn trồng cây xanh, cổng tường rào bảo vệ...
Được biết, bãi rác Bình Tú toạ lạc tại thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết đã bắt đầu hoạt động từ năm 1999 cho đến nay và cũng là bãi rác lớn nhất của tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, toàn bộ lượng rác thải trên địa bàn thành phố Phan Thiết đều được thu gom, đổ dồn về đây. Do hiện trạng bãi rác đã quá tải nên phương pháp xử lý rác thải tại bãi rác Bình Tú chỉ đơn giản là san gạt và phun các loại hóa chất, chế phẩm khử mùi, diệt ruồi.
Bãi rác Bình Tú là bãi rác lộ thiên. (Ảnh: Báo Bình Thuận) |
Phương pháp xử lý như trên chưa đảm bảo theo mô hình chôn lấp rác hợp vệ sinh và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân sống xung quanh. Do đó, việc triển khai thực hiện dự án Cải tạo, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường hướng tới đóng cửa bãi rác Bình Tú là vô cùng cấp thiết.
Trước đó, tỉnh Bình Thuận đã cho đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác Phan Thiết rộng 10 ha với tổng vốn đầu tư lên đến 500 tỷ đồng. Nhà máy này đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 10/2023 với công suất 150 tấn một ngày. Chủ đầu tư là công ty Nhật Hoàng vẫn đang tiếp tục lắp đặt thêm thiết bị, máy móc để nâng công suất lên 400 tấn theo đúng thiết kế.