Các lỗi bị trừ hết 12 điểm bằng lái
Chiều nay (25/10), thông tin từ Bộ Công an cho biết, đơn vị vừa chính thức trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Quy định này dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2025.
Theo pháp luật hiện hành đang quy định, lái xe vi phạm giao thông sẽ bị phạt tiền và tước giấy phép lái xe, tùy vào mức độ vi phạm. Tuy nhiên, việc tước bằng lái như hiện nay ảnh hưởng đến hoạt động đi lại, sản xuất và đời sống người dân.
Vì vậy, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 ra đời đã quy định về trừ điểm bằng lái thay vì tước giấy phép lái xe như hiện nay. Theo đó, người điều khiển phương tiện có thể vừa bị phạt tiền vừa bị trừ điểm bằng lái. Mỗi bằng lái có 12 điểm, tài xế vi phạm các quy định khi tham gia giao thông sẽ bị trừ từ 2 đến 12 điểm, tùy vào tính chất mức độ và hành vi.
Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng mức xử phạt có tính răn đe cao đối lái xe sử dụng rượu, bia được chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2025. Theo đề xuất này, đối với người vi phạm nồng độ cồn mức 2 trở lên còn bị trừ sạch 12 điểm bằng lái, còn mức 1 sẽ bị trừ hết điểm bằng lái nếu tái phạm nhiều lần. Số lần tái phạm sẽ được Bộ Công an quy định ở thông tư hướng dẫn.
Theo đề xuất của Bộ Công an, người vi phạm nồng độ cồn mức 2 trở lên còn bị trừ sạch 12 điểm bằng lái, còn mức 1 sẽ bị trừ hết điểm bằng lái nếu tái phạm nhiều lần. Ảnh: Phạm Công |
Bộ Công an lý giải hành vi điều khiển xe mà trong máu có nồng độ cồn là hành vi hết sức nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
“Thời gian qua mặc dù lực lượng công an tăng cường kiểm tra, xử phạt song hành vi này vẫn diễn ra phổ biến. Do đó, cần nâng mức xử phạt, tăng tính răn đe đối với người tham gia giao thông…”, Bộ Công an cho hay.
Như vậy, theo đề xuất của Bộ Công an vừa trình lên Chính phủ, lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể đối diện với nguy cơ bị trừ hết điểm bằng lái.
Theo đó, đối với mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay đang quy định 3 mức. Với mức 1, lái xe điều khiển xe máy hoặc ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở nếu tái phạm nhiều lần ngoài bị phạt tiền còn bị trừ 12 điểm bằng lái.
Mức 2 là điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Mức 3 là điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở) cũng bị trừ hết điểm bằng lái.
Như vậy, lái xe vi phạm nồng độ cồn ở mức 2 trở lên ngoài bị xử phạt tiền như quy định hiện hành sẽ bị trừ hết 12 điểm bằng lái.
Đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn
Tại dự thảo lần đầu, Bộ Công an đề xuất giảm mức xử phạt đối với mức 1, mức thấp nhất đối với người điều khiển xe ô tô và xe máy. Tuy nhiên, trong lần trình chính thức lên Chính phủ, cơ quan soạn thảo lại tăng mức xử phạt đối với hành vi này.
Cụ thể, đối với ô tô, cơ quan soạn thảo giữ nguyên mức 1 và mức 3 nhưng điều chỉnh tăng mức 2 từ 16-18 triệu đồng lên 18-20 triệu đồng. Đối với xe máy, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên mức 1, tăng mức 2 từ 4-5 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng và mức 3 từ 6-8 triệu đồng lên 8-10 triệu đồng.
Bộ Công an đề xuất tăng mức 2 từ 4-5 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng và mức 3 từ 6-8 triệu đồng lên 8-10 triệu đồng. Ảnh: Duy Quỳnh |
Đại diện Bộ Công an cho biết, bằng lái bị trừ điểm sẽ thông báo đến chủ phương tiện qua ứng dụng VneID hoặc bằng văn bản giấy được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện. Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. Tất cả được triển khai tự động trên hệ thống do công an quản lý.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm bằng lái thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó. Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Việc thông báo phục hồi điểm giấy phép lái xe thực hiện bằng phương thức điện tử trên phần mềm ứng dụng do Bộ Công an quản lý, vận hành hoặc bằng văn bản giấy theo mẫu quy định của Bộ Công an và được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm.
“Trường hợp giấy phép lái xe được thể hiện dưới hình thức thông điệp dữ liệu thì cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện cập nhật trạng thái phục hồi điểm giấy phép lái xe trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia…”, đại diện Bộ Công an cho hay.
Trao đổi với Vuasanca , một đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Tức là trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau. “Thực tế cho thấy, chế tài xử phạt của chúng ta đã khá đầy đủ và nghiêm khắc nhưng vi phạm nồng độ cồn vẫn là một trong những hành vi vi phạm an toàn giao thông phổ biến nhất hiện nay. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng thường xuyên tổ chức tuần tra, đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Việc đề xuất tăng mức xử phạt đối với lái xe sử dụng bia, rượu nhằm vừa làm tăng tính răng đe, vừa có tính giáo dục hạn chế người vi phạm”, đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định. |