Đấu giá biển số ô tô: Cần xây dựng quy định minh bạch, tránh “quân xanh - quân đỏ” Đấu giá biển số ô tô: Có thể phát sinh tâm lý ăn thua, trào lưu “sính" biển số đẹp |
Ngày 6/5, Bộ Công an tổ chức diễn đàn hỏi đáp trực tuyến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tại diễn đàn, một vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm, đó là đề xuất của Bộ Công an về việc cá nhân và tổ chức có thể lựa chọn các hình thức cấp biển số (bấm ngẫu nhiên, lựa chọn theo sở thích có thu phí và thông qua hình thức đấu giá).
Giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến nội dung của dự án luật, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an cho biết: Dự thảo luật quy định xe cơ giới tham gia giao thông phải được cấp biển, đây là điều kiện để tham gia thông, còn hình thức cấp biển do Chính phủ quy định.
Theo Bộ Công an, sắp tới sẽ có biển số theo nhu cầu |
Luật Quản lý tài sản công quy định tài nguyên số là một dạng tài sản công nên Chính phủ sẽ quyết định dưới hai hình thức. Một là vẫn duy trì hình thức cũ (bấm số ngẫu nhiên) để đảm bảo công khai minh bạch, bên cạnh đó có thể đấu giá biển số nếu người dân có nhu cầu.
Hiện nay, việc đấu giá biển số không còn đưa vào dự thảo luật vì nó liên quan đến rất nhiều luật, cần phải sửa đổi bổ sung chứ không riêng luật Trật tự an toàn giao thông. Quy định cấm mua bán biển số trái phép hiện đã sửa, còn quy định về quyền và nghĩa vụ dân sự của người trúng đấu giá đang có nhiều ý kiến. Đây là quyền tài sản đầy đủ hay là chỉ sử dụng thì cần có thời gian xem xét.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Bộ Công an sẽ báo cáo với Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đề án thí điểm đấu giá biển số. Điều này phải sửa đổi cả Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách. Tinh thần của đề án là tất cả biển số đưa ra để cấp thì người dân đều được chọn bấm ngẫu nhiên, không có biển số xấu đẹp nhưng sắp tới sẽ có biển số theo nhu cầu như biển số theo tên.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đang trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết để xin ý kiến Quốc hội về việc thí điểm đấu giá biển số xe vì nội dung này liên quan đến nhiều luật chứ không riêng luật về giao thông.
Đại tá Đỗ Thanh Bình thông tin thêm: Hiện nay, người dân chỉ có một hình thức bấm biển số ngẫu nhiên. Chúng tôi đề nghị người dân được lựa chọn, hoặc là bấm biển số ngẫu nhiên, hoặc lựa chọn biển số. Nếu lựa chọn thì số đó sẽ được chuyển sang cơ quan phụ trách đấu giá trực tuyến công khai. Người nào trả giá cao hơn sẽ được tiếp nhận.
Liên quan đến đề xuất đấu giá biển số xe đẹp, tại buổi họp báo quý 1/2022 của Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Mai (Cục phó Bổ trợ Tư pháp) cho biết, biển số xe hiện nay được coi là tài sản công thuộc Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Biển số xe là một đặc thù bởi vừa là tài sản, vừa là công cụ để quản lý nhà nước.
Do đó, đề án về đấu giá biển số xe ô tô đẹp do Bộ Công an đang soạn thảo không có vướng mắc. Nếu coi biển số xe là tài sản công thì bán theo hình thức đấu giá sẽ đúng theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá tài sản hiện hành.
Cục phó Bổ trợ Tư pháp cho biết thêm, Bộ Công an đang chủ trì xây dựng nghị quyết của Quốc hội về đấu giá biển số xe, trong đó sẽ nghiên cứu quyền của người đấu giá được giao đến đâu.
Theo bà Mai, hiện nay, nếu chuyển nhượng biển số xe đấu giá sẽ gặp phải vướng mắc, bởi Điều 8 Luật Giao thông đường bộ đang quy định cấm mua, bán biển số xe.
Hiện, việc này đang được Bộ Công an lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành. Bộ Công an phải xây dựng nghị quyết của Quốc hội, việc giải quyết như thế nào sẽ nằm trong nghị quyết, khi đó mới giải quyết được quyền của người trúng đấu giá biển số xe.
Đặc biệt, hiện Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng, sửa đổi 2 luật, trong đó có Luật Giao thông đường bộ. Vì thế, có thể sẽ sửa các quyền liên quan đến định đoạt biển số xe được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
Trước nhiều ý kiến đồng tình với việc thực hiện đấu giá biển số xe ô tô, song cũng không ít người phản đối. Nhiều người cho rằng, bản chất việc đăng ký biển số xe là hoạt động mang tính chất ngẫu nhiên, nhằm tạo ra sự bình đẳng giữa những người đăng ký xe. Theo đó, nếu như triển khai đấu giá biển số ô tô có thể phát sinh những hệ luỵ xã hội như: Tâm lý ăn thua, trào lưu “sính" biển số đẹp trên thị trường... Vì vậy, hiện đề án này còn đang gặp nhiều vấn đề trên cả phương diện pháp lý cũng như phương diện thực tiễn.