Bộ Công an phát hiện, bắt giữ 15.000 vụ ma túy trong 6 tháng đầu năm 2023
Hơn 23.000 đối tượng vi phạm về ma túy bị bắt giữ
Ngày 26/6, Bộ Công an tổ chức Hội nghị sơ kết công tác công an 6 tháng đầu năm 2023. Thông tin tại hội nghị Bộ Công an nêu rõ: Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động, làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương những giải pháp cơ bản, chiến lược về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh trên các địa bàn, lĩnh vực; triển khai đồng bộ các kế hoạch, giải pháp bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng; kịp thời xử lý các vụ việc phức tạp nảy sinh, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.
Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nhận diện, đấu tranh với tội phạm một cách bài bản, có chiều sâu, mang tính “điển hình”; tăng cường phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội sau dịch bệnh Covid-19... Đã điều tra, làm rõ gần 19.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội; phát hiện gần 3.000 vụ, hơn 4.500 đối tượng phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án lớn, vụ án mới với phương châm “cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp cấp bách trong phòng, chống ma túy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; triển khai các phương án, kế hoạch đấu tranh, trấn áp tội phạm về ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới. Đã phát hiện, bắt giữ hơn 15.000 vụ, hơn 23.000 đối tượng; thu giữ hơn 300 kg heroin, hơn 2 tấn và 1 triệu viên ma túy tổng hợp, hơn 200kg cần sa.
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Công an đã triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng tội phạm về ma túy - Ảnh minh họa |
Vừa qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) đã có công văn cảnh báo các dạng ma túy "núp bóng", trà trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử và Kế hoạch giải quyết tình trạng trên. Theo thống kê, theo dõi của Cục C04, năm 2022 có 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng "núp bóng" thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu và thực phẩm. Từ đầu năm 2023 đến nay, theo báo cáo của 52/63 địa phương có 11 vụ mua bán trái phép chất ma túy liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu, 17 vụ việc vi phạm liên quan đến bóng cười.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, 6 tháng đầu năm 2023, riêng lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, khám phá thành công hơn 13.000 vụ, bắt giữ hơn 20.000 đối tượng, thu giữ hơn 312 kg heroin, hơn 1,6 tấn ma túy tổng hợp, 174 kg cần sa, hơn 400 kg cocaine; đã khởi tố 11.045 vụ, 16.117 bị can; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 186 đối tượng truy nã về ma tuý.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tổ chức đấu tranh thành công 38 vụ, 121 đối tượng, thu giữ hơn 85 kg heroin, hơn 310 kg cùng 185.000 viên ma túy tổng hợp, hơn 300 kg cocaine; đã khởi tố 6 vụ, 42 bị can.
Chủ động ứng phó với tội phạm ma túy sử dụng công nghệ cao
Đánh giá về thủ đoạn, phương thức của tội phạm trong tình hình mới, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho rằng không riêng gì tội phạm ma túy mà các loại tội phạm khác như kinh tế, hình sự, mua bán người, đánh bạc... đều lợi dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Trong đó, tội phạm ma túy thu được những khoản lợi nhuận kếch sù từ mua bán ma túy, do vậy càng có điều kiện để mua sắm, trang bị nhiều loại thiết bị, công nghệ hiện đại.
Đặc biệt các đối tượng chủ mưu, cầm đầu của tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đã triệt để lợi dụng công nghệ 4.0 để hoạt động với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, khiến tình hình tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp.
Các đối tượng cầm đầu cư trú ở trong nước cũng như nước ngoài thường núp dưới danh nghĩa hoạt động kinh doanh để chỉ đạo toàn bộ đường dây. Do có sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên không cần chỉ đạo trực tiếp (không cần ra mặt), ở bất cứ nơi đâu cũng có thể điều hành toàn bộ đường dây mà khó có thể bị phát hiện, bắt giữ.
Như đối tượng Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh "Hà") là ví dụ điển hình trong việc sử dụng công nghệ 4.0 điều hành toàn bộ đường dây phạm tội ma túy hoạt động từ nước ngoài về Việt Nam và tiếp tục chỉ đạo các mắt xích ở trong nước hoạt động vận chuyển, mua bán ma túy, trong đó có cả đi nước thứ 3 tiêu thụ.
Hay có những chuyên án, lực lượng công an phải "đối đầu" với các đối tượng rất am hiểu và giỏi công nghệ cao. Điển hình như vụ triệt phá đường dây tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản vào ngày 8/1/2021 tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP. Hà Nội.
Kết quả điều tra cho thấy, đây là tổ chức tội phạm mang tính chuyên nghiệp, được tổ chức chặt chẽ liên quan đến nhiều tội danh khác nhau như mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về xuất, nhập cảnh; tổ chức môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
Nhóm chủ mưu, cầm đầu có trình độ, am hiểu công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, phương thức thủ đoạn che giấu rất tinh vi. Chúng lợi dụng mạng Internet, các trang mạng xã hội để liên lạc, giao dịch nên khó xác định được địa bàn cụ thể, danh tính, địa chỉ thật.
Đồng thời, qua đấu tranh với chuyên án ma túy trong những năm gần đây cho thấy, công nghệ 4.0 được tội phạm ma túy sử dụng đó là: Hệ thống các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội máy chủ đặt ở một nước thứ 3, có tính bảo mật cao như Facebook, Instagram, Viber, Telegram, WhatsApp, Line, Wechat, Signal..., sử dụng sim số điện thoại của nước ngoài như: Anh, Mỹ, Campuchia... để kết nối toàn cầu, hầu như không để lại dấu tích phạm tội trên điện thoại thông minh khi bị phát hiện bắt giữ hoặc rất khó để áp dụng biện pháp nghiệp vụ đối với các hoạt động của các đối tượng đó.
Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm về ma túy, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là không để bị động bất ngờ, không đi sau tội phạm, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã có những giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy sử dụng công nghệ cao.
Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an (Kỹ thuật hình sự, An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao); các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển; các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng tăng cường theo dõi, phát hiện, giám sát các tổ chức, đường dây tội phạm hoạt động trên không gian mạng để xác lập chuyên án đấu tranh.
Đồng thời đẩy mạnh việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, máy soi chiếu chuyên dùng để phát hiện, bắt giữ tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không, bưu điện và các dịch vụ chuyển phát nhanh.
Tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản xuyên suốt theo 5 lĩnh vực của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, sớm nhận diện, đưa vào danh sách quản lý nghiệp vụ đối với nhóm đối tượng có khả năng, điều kiện lợi dụng khoa học công nghệ để phạm tội về ma túy; tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây tội tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài có xu hướng hoạt động gắn với tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế… từ sớm, từ xa. Hiện nay Cục đang tích cực phối hợp với Viện Khoa học và công nghệ, Bộ Công an để tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong chế tạo, sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.
“Chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực về công nghệ cho cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng nghiệp vụ chuyên trách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là các thiết bị kỹ thuật hiện đại sử dụng trong thông tin liên lạc, phát hiện, thu thập các loại chứng cứ điện tử, nguồn thông tin tội phạm ma túy, trang thiết bị tiên tiến để giám định, phát hiện các chất ma túy mới”- Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết.
Cùng với đó, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện sẽ tăng cường hợp tác quốc tế với lực lượng phòng, chống ma túy các nước phát triển, các tổ chức quốc tế để tranh thủ kinh nghiệm, trình độ khoa học kỹ thuật phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm ma túy.