Theo đó, ngành Công Thương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường công tác rà soát, dự báo các khu vực, các công trình có nguy cơ cao xảy ra sự cố do thiên tai gây ra để chủ động các biện pháp phòng, chống hiệu quả giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hai là, rà soát, hiệu chỉnh phương án PCTT và TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”; cập nhật bổ sung đầy đủ các hình thái thiên tai; tổ chức phổ biến, hướng dẫn, diễn tập để chủ động ứng phó với thiên tai khi xảy ra, đặc biệt đối với các tình huống bão mạnh và siêu bão.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó về những nguy cơ, sự cố do thiên tai gây ra.
Bốn là, chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, tổ chức ứng trực để kịp thời ứng phó với mọi tình huống do thiên tai gây ra và sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị khi có yêu cầu; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác PCTT và TKCN, quản lý rủi ro thiên tai, xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu về PCTT.
Năm là, thực hiện nghiêm chế độ trực ban và báo cáo về công tác PCTT và TKCN theo quy định.
Sáu là, một số nhiệm vụ cụ thể của một số đơn vị
a) Đối với các công trình thủy điện
- Vận hành hồ chứa tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ; tăng cường công tác cảnh báo khi vận hành xả lũ, phát điện đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ du; chủ động phối hợp với địa phương rà soát dọc hạ du của nhà máy để lắp đặt bổ sung các hình thức cảnh báo phù hợp để cảnh báo cho nhân dân khi vận hành xả lũ và phát điện.
- Thường xuyên kiểm tra các hạng mục công trình trước, trong, sau các đợt mưa, lũ, sự cố và khắc phục kịp thời các tồn tại có nguy cơ mất an toàn cho đập, nhà máy.
- Thường xuyên rà soát, bổ sung phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập năm 2017, phương án bảo vệ đập, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập và tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt - Tăng cường quan trắc khí tượng thủy văn trên lưu vực hồ chứa để chủ động vận hành hồ chứa hiệu quả, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du trong mùa lũ đồng thời tham gia phòng, chống hạn hán có hiệu quả.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể tại địa phương thực hiện công tác tuyên truyền cho người dân cách nhận biết tình huống xả lũ và vận hành phát điện; kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước khi sản xuất, đi lại, sinh hoạt khu vực sông suối hạ du của nhà máy.
b) Đối với các đơn vị truyền tải, phân phối điện
Thường xuyên kiểm tra rà soát các điểm, khu vực xung yếu của lưới điện để gia cố, chuẩn bị phương tiện, vật tư dự phòng, nhân lực để kịp thời khắc phục các sự cố do thiên tai gây ra, nhanh chóng khôi phục cấp điện trở lại đảm bảo an toàn, đặc biệt có phương án duy trì cấp điện cho các công trình PCTT.
c) Đối với các đơn vị khai thác khoáng sản
Thường xuyên kiểm tra, rà soát các bãi thải, các khu mỏ khai thác, hệ thống đê chân bãi thải, hồ thải quặng đuôi, hệ thống bơm thoát nước, mương thoát nước, mặt bằng sản xuất... chủ động xử lý và có phương án đảm bảo an toàn công trình, chống ngập mỏ, sạt lở bãi thải, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn cho người dân sống gần khu vực các bãi thải.
d) Đối với các đơn vị hoá chất
Rà soát, cập nhật phương án ứng phó sự cố hoá chất; tăng cường các biện pháp ngăn ngừa sự cố rò rỉ hoá chất ra môi trường khi thiên tai xảy ra.
đ) Đối với các đơn vị dầu khí
- Rà soát cập nhật hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, ứng phó sự cố tràn dầu.
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo, tổ chức xây dựng kế hoạch diễn tập ứng phó sự cố cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu khí cấp quốc gia khi được Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phê duyệt phương án.
g) Đối với các đơn vị xăng dầu
Rà soát, cập nhật phương án đảm bảo an toàn, phòng chống ngập các công trình, cửa hàng xăng dầu, chống trôi, nổi các bồn chứa xăng dầu, chống tràn khi bị ngập nước. Chuẩn bị nguồn xăng dầu dự trữ đảm bảo cung ứng cho nhân dân vùng bị thiên tai.
h) Đối với các Sở Công Thương
- Rà soát các khu vực thuộc địa bàn quản lý có nguy cơ ngập lụt, chia cắt, đặc biệt các khu vực có thể bị chia cắt trong thời gian dài để xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ các hàng hóa thiết yếu cho nhân dân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để hiện tượng lợi dụng thiên tai xảy ra nâng giá, găm hàng và đưa hàng kém chất lượng phục vụ nhân dân.
- Thường xuyên kiểm tra công tác PCTT và TKCN tại các doanh nghiệp ngành Công Thương.
- Báo cáo, tham mưu lãnh đạo địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện tốt các quy chế phối hợp, các phương án phòng chống thiên tai trên địa bàn.
i) Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phối hợp với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rà soát những bất cập trong việc xây dựng, phê duyệt phương án ứng phó sự cố tràn dầu theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu báo cáo lãnh đạo Bộ để xem xét kiến nghị điều chỉnh.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, trong năm 2016, các đơn vị ngành Công Thương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện các quy định của pháp luật vể PCTT và TKCN, cụ thể như các đơn vị đã kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp; rà soát cập nhật và xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai phù hợp với đặc thù của đơn vị, bố trí phương tiện, vật tư dự phòng, ứng trực xử lý kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra đảm bảo an toàn cho người và công trình. Các nhà máy thuỷ điện đã cố gắng thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, xây dựng các phương án phòng chống lũ bão đảm bảo an toàn đập, phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du; Công tác phối hợp giữa các chủ đập thủy điện với địa phương ngày một tốt hơn. Công tác lập kế hoạch dự trữ hàng hoá thiết yếu, quản lý thị trường được các Sở Công Thương chú trọng thực hiện nên trong mùa mưa lũ năm 2016 không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, giá cả hàng hoá ổn định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Một số đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác phòng chống thiên tai như xây dựng kế hoạch, phương án PCTT; công tác tuyên truyền, diễn tập các phương án phòng chống thiên tai chưa được thực hiện thường xuyên; công tác vận hành xả lũ, công tác phối hợp giữa chủ hồ với các cấp chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, thông tin xả lũ chưa tốt, lúng túng trong ứng phó, gây bức xúc dư luận.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong năm 2017 có khoảng 13-15 cơn bão xuất hiện trên biển Đông và có khoảng từ 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta (tập trung vào khu vực Trung bộ), lũ quét, sạt lở đất có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2016.