Bộ Công Thương chú trọng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Bà Phạm Ngô Thùy Ninh - Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương đã có chia sẻ với Vuasanca về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2022, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị tập huấn công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2022 cho các cơ sở đào tạo thuộc Bộ |
Để giữ vững và nâng cao hiệu quả các kết quả đã đạt được của công tác hội nhập kinh tế quốc tế, bà có thể nêu một số nội dung về quan điểm, định hướng của Bộ Công Thương đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức?
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý và sử dụng cán bộ, công chức của Bộ Công Thương, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ công chức Bộ Công Thương được trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ, từ đó hình thành đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có đủ năng lực xây dựng nền hành chính tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở định hướng này, Bộ Công Thương đã xác định mục tiêu về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức gắn với yêu cầu về thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bộ. Trong đó, để đáp ứng yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, nâng cao khả năng đàm phán, ký kết các hiệp định, nghiên cứu phân tích dự báo thị trường, pháp luật cho doanh nghiệp; nâng cao năng lực tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, tổ chức, thực hiện các cam kết quốc tế, trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương xác định, công tác đào tạo, bồi dưỡng phải chú trọng đổi mới cả nội dung, hình thức để đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành nghề, thái độ trong công tác của cán bộ công chức.
Bà Phạm Ngô Thùy Ninh – Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương |
Đến nay, bà đánh giá gì về hiệu quả đạt được của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Bộ Công Thương?
Thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bộ Công Thương và Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương đã tổ chức bồi dưỡng trong và ngoài nước cho hơn 24 nghìn lượt cán bộ, công chức, ở trung ương và địa phương; cũng như cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế và các chuyên đề chuyên sâu.
Công tác truyền thông cũng được quan tâm, ngay trong giai đoạn 2015-2019, Bộ đã tổ chức đa dạng các hoạt động, chương trình truyền thống. Với sự chủ động, tích cực đó đã góp phần bồi đắp kiến thức rộng, sâu cho cán bộ làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế cũng như nâng cao chất lượng cho đội ngũ này. Tuy nhiên phải nhận thấy rằng, chính môi trường hội nhập kinh tế quốc tế đã rèn luyện và tạo ra được đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với xu thế hội nhập.
Dù vậy, khi so sánh với quốc gia, chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hội nhập vẫn còn có khoảng cách. Mặt khác, nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế, một số tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa sát với nhu cầu công việc, cũng như xuất phát từ thực tiễn của vị trí việc làm mà chủ yếu quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng chỉ để hoàn thiện chứng chỉ phục vụ cho công tác thi nâng ngạch, bổ nhiệm. Trước tình trạng này, thiết nghĩ người đứng đầu các đơn vị phải tạo lập ra môi trường, văn hóa học tập để mỗi cán bộ, công chức trong lộ trình công tác, phát triển sự nghiệp phải có kế hoạch cụ thể hoàn thiện chuyên môn, kỹ năng, kiến thức.
Từ thực tiễn yêu cầu nâng cao chất lượng chuyên môn, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp cụ thể nào về đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức trong thời gian tới?
Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó sẽ chú trọng đầu tư vào công tác dự báo, khảo sát nhu cầu để xây dựng được các đề án, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sát nhất, phù hợp với nhóm đối tượng khác nhau. Ngoài ra, ban hành các khung năng lực, vị trí việc làm, nhất là khung năng lực cho đội ngũ cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế để làm căn cứ chọn cử cán bộ phù hợp đi đào tạo, bồi dưỡng.
Cùng với đó là sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tự học, tự rèn luyện tới đội ngũ cán bộ, công chức; có cơ chế khuyến khích để họ tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng như đưa ra quyền lựa chọn thời gian, địa điểm, chương trình đào tạo, bồi dưỡng vừa đảm bảo công việc vừa tiếp tục năng cao trình độ, kỹ năng.
Ngoài ra, Bộ cũng đã có định hướng các đơn vị sử dụng cán bộ cũng phải làm tốt công việc liên quan đến quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng, nhất là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ trẻ, tiềm năng. Về nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng Bộ đề nghị phải có sự hài hòa giữa tri thức khoa học lẫn chuyên môn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng song song với công tác kiểm tra, thanh tra giám sát, rà soát.
Đồng thời, đề xuất với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng, hoàn thiện các chính sách cho cán bộ trẻ, tiềm năng trong công tác hội nhập; bố trí đủ kinh phí để thực hiện có hiệu quả các chế độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định; đặc biệt quan tâm kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo đúng đối tượng cán bộ, công chức, phù hợp nội dung theo yêu cầu.
Về phía đơn vị, trường đào tạo, bồi dưỡng cần chủ động, tích cực tổ chức biên soạn các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng, gắn với chức danh và vị trí việc làm, bảo đảm tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, hài hòa giữa lý thuyết và thực hành. Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên đào tạo, bồi dưỡng với cơ cấu hợp lý, có trình độ, am hiểu hội nhập quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn; tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, báo cáo viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều kinh nghiệm, các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như lựa chọn đối tác có uy tín về đào tạo, bồi dưỡng trên thế giới để gửi cán bộ Việt Nam sang đào tạo, học hỏi; nghiên cứu, áp dụng một cách phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở trong nước. Mặt khác, mở rộng mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học để tăng cơ hội hội thảo, tọa đàm, trao đổi học thuật, chuyên môn, giúp cán bộ có điều kiện trưởng thành, tích lũy kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Xin cảm ơn bà!