Bộ Công Thương giải đáp nhiều vấn đề “nóng”
Tin hoạt động 14/07/2017 15:53
Toàn cảnh họp báo |
Chủ động, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn
Bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Vụ trưởng Thường trực Ban đổi mới doanh nghiệp (DN) - Bộ Công Thương - cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương luôn tích cực, chủ động thoái vốn và hỗ trợ các DN thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn theo đúng quy định hiện hành.
Thời gian qua, công tác thoái vốn và cổ phần hóa các đơn vị thuộc Bộ đã đạt được một số kết quả: Thứ nhất, Bộ đã tổ chức quán triệt, thực hiện các nghị quyết theo Quyết định 58 và Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn Nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020. Thứ hai, trên cơ sở Quyết định 58, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã xây dựng kế hoạch đổi mới, sắp xếp DN và thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Bộ Công Thương cũng đã xây dựng danh mục DNNN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn từng năm, từ năm 2017 - 2020. Trên cơ sở kế hoạch, lộ trình xác định, Bộ Công Thương đã xác định giá trị cổ phần hóa của từng DN, kế hoạch thoái vốn tại các DN cổ phần hóa, thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt theo thẩm quyền. Thứ ba, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại các DN cổ phần hóa của Bộ Công Thương thực hiện rà soát các tiêu chí, xây dựng kế hoạch thoái vốn Nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020.
“Bộ đã thành công trong việc chuyển một số đơn vị, DNNN chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần. Đồng thời đa dạng hóa cổ đông là các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, tăng cường quản trị và công nghệ để phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ đó tối đa hóa lợi nhuận và tạo sự minh bạch trong kinh doanh, tăng hiệu quả vốn, nhằm thực hiện tốt hiệu quả sản xuất kinh doanh” - bà Hoa khẳng định.
Liên quan đến việc thẩm định các đề án tái cơ cấu, cổ phần hóa của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương, đến nay, Bộ đã trình 3 đề án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Hiện nay, đề án của EVN đã được phê duyệt. Còn 1 đề án của Tập đoàn Than & Khoáng sản (TKV) đang hoàn thiện, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7.
Trong tháng 7, Bộ Công Thương trình phương án xử lý 12 dự án thua lỗ
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của báo chí |
Đưa ra phương án xử lý các dự án trên, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương - nêu rõ: Từ ngày 17/12/2016 đến 16/1/2017, Ban chỉ đạo Xử lý các dự án yếu kém ngành Công Thương đã làm việc với 9/12 dự án để nắm được tình hình, cùng với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để có chỉ đạo, xử lý. Đã có gần 200 văn bản chỉ đạo rất sát đối với từng vấn đề, từng dự án. Đến thời điểm hiện tại, một số dự án đã có chuyển biến tốt, đặc biệt là nhóm dự án 4 nhà máy phân bón đã đi vào sản xuất trở lại, có hiệu quả. Hai nhà máy sản xuất thép cũng chuyển biến tích cực. Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã lên phương án tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản và toàn bộ hàng hóa tồn kho của nhà máy này.
Nhấn mạnh về quan điểm của Bộ Công Thương, ông Dương Duy Hưng cho hay, thời gian tới các dự án trên sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng bám sát để chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc khó khăn, đảm bảo đúng nguyên tắc và mục tiêu. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty và chủ đầu tư, trực tiếp là các nhà máy trên phải nâng cao hiệu quả thông qua công tác quản trị, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đơn cử với các nhà máy sản xuất phân đạm, yêu cầu từng phân xưởng phải tiết giảm chi để các dự án đang sản xuất đạt hiệu quả hơn.
“Cuối tháng 7, Bộ sẽ trình Ban chỉ đạo trước khi trình Thủ tướng Đề án chính thức để xử lý các dự án. Nhưng quan điểm là: Cho dù phương án thế nào, dù là thoái vốn hay khởi động lại vẫn phải khẩn trương tìm mọi cách làm cho các dự án tốt lên và xử lý triệt để những vấn đề còn tồn tại vướng mắc” - ông Dương Duy Hưng nhấn mạnh.
Hướng tới xuất khẩu thịt lợn chính ngạch
Họp báo thu hút sự quan tâm lớn của phóng viên |
Trả lời câu hỏi: Trung Quốc gom thịt lợn trở đã lại làm thị trường diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Đã nói đến “giải cứu” thì nếu có bất cứ thị trường nào muốn nhập khẩu đều là tín hiệu tốt. Điều quan trọng là phải xem tín hiệu đó có bền vững hay không và có ảnh hưởng đến hướng sản xuất hay không, chứ không phải chỉ vì một tín hiệu mà lại tiếp tục tăng đàn, dù không có đầu ra”.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, hiện nay, phần lớn Trung Quốc đang nhập khẩu theo hướng tiểu ngạch, nên chúng ta rất có thể sẽ bị quay lại con đường như trước kia là phải giải cứu. Chính vì thế, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để quản lý sản xuất chăn nuôi lợn. Đồng thời chú ý vấn đề chất lượng để xuất khẩu chính ngạch.