Tại hội nghị, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Thị trường Đông Bắc Á là thị trường quan trọng của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, hội nghị giới thiệu tiềm năng và quy định về xuất khẩu hàng hóa sang khu vực Đông Bắc Á là hoạt động thiết thực đối với tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp. “Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu khu vực Đông Bắc Á và các khu vực khác”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.
Có khoảng hơn 100 doanh nghiệp tham gia hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh đánh giá: “Thị trường khu vực Đông Bắc Á đang có sự thay đổi lớn, đặc biệt thị trường Trung Quốc. Chính sách của Trung Quốc ngày càng chính quy hơn, có rất nhiều mặt hàng mới với nhu cầu lớn, cơ cấu tiêu dùng đang có sự thay đổi, đặc biệt các mặt hàng chất lượng cao. Người tiêu dùng có nhận thức tốt hơn về chất lượng hàng hóa. Chính vì vậy, cơ quan nhà nước Trung Quốc cũng có sự quan tâm hơn đến vấn đề kiểm soát chất lượng và đưa các hoạt động thương mại khu vực biên giới đi vào chính quy. Nếu chúng ta không kịp thời thay đổi thích ứng thì dần dần sẽ bị đào thải”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị |
Tại hội nghị, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đã giới thiệu tiềm năng xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; cơ hội từ các Hiệp định thương mại FTA; quy định của thị trường Trung Quốc đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu và những lưu ý về việc Trung Quốc tăng cường kiểm nghiệm kiểm dịch trong bối cảnh dịch Covid-19.
Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi trình bày tiềm năng xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và cơ hội từ các FTA |
Đồng thời, Vụ cũng đưa ra khuyến nghị đối với các doanh nghiệp ngành hàng cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các ưu đãi thị trường như thuế, hạn ngạch; tìm kiếm các đối tác kinh doanh; chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất theo tiêu chuẩn nhập khẩu. Nâng cao kỹ năng quản lý xuất xứ hàng hóa, quản lý nguyên liệu đầu vào để hưởng ưu đãi.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi trình bày về quy định của thị trường Trung Quốc đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu và những lưu ý về việc Trung Quốc tăng cường kiểm nghiệm kiểm dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 |
Còn đối với Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phổ biến thông tin về thị trường; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động Xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, nuôi trồng theo tiêu chuẩn.
Cũng tại hội nghị, các đơn vị, doanh nghiệp đã có buổi giao lưu trực tuyến với các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhờ đó, nhiều câu hỏi, vướng mắc của các doanh nghiệp đã được giải đáp. Đồng thời, nhiều kiến nghị, đóng góp về cơ chế, chính sách, chiến lược thúc đẩy xuất khẩu cũng được các cơ quan chức năng lắng nghe và tiếp nhận.
Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi với Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản |
Phát biểu bế mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định: Có thể nhận thấy các doanh nghiệp đã có sự thay đổi, năng lực sản xuất được nâng cao. Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế của mình để đón các đơn hàng, tạo ra công ăn việc làm, tạo ra doanh thu cho các doanh nghiệp.
“Hiện năng lực của các doanh nghiệp trong nước đã tốt hơn so với trước đây, có đủ năng lực quản lý chất lượng, có thể đáp ứng được những thị trường “khó tính” nhất; khả năng logistic cũng tốt hơn, đã và đang thay đổi rất nhanh. Chính vì vậy yêu cầu đặt ra cho các cơ quan Thương vụ cũng khác trước, phải có cách tiếp cận mới hơn”- Thứ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu.