Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa phát triển năng lượng
Tin hoạt động 14/11/2017 10:24
Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn |
Công nghiệp, thương mại tăng trưởng ổn định
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn, 10 tháng năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn giữ ổn định và tiếp tục phát triển. Sản xuất công nghiệp (SXCN) đạt 56.619 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm đạt 69.671 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, đã có 14 dự án đi vào sản xuất, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng SXCN, như: Dây chuyền 2 Xi măng Công Thanh, dây chuyền 1 Xi măng Long Sơn, các dự án may mặc, giày da… Hiện toàn tỉnh có 51 cơ sở may mặc công nghiệp, sử dụng 49,5 nghìn lao động và 13 nhà máy giày sử dụng 57,6 nghìn lao động...
Xuất khẩu đạt 1.522 triệu USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ; dự báo cả năm hoàn thành kế hoạch 1.850 triệu USD. Đặc biệt, toàn tỉnh có 104 doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang 43 thị trường. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu 10 tháng năm 2017 như: Thuốc lá (2.028 nghìn bao), hàng may mặc (141.916 nghìn sản phẩm), giày dép (54.738 nghìn đôi), hải sản 9.952 tấn…
“Riêng về quy hoạch chợ đến năm 2020, toàn tỉnh có 513 chợ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 396 chợ đang hoạt động, trong đó có 82 chợ được chuyển đổi mô hình quản lý. Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công tác chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ”- ông Ngô Văn Tuấn - cho biết thêm.
Giải đáp nhiều kiến nghị
Ông Ngô Văn Tuấn đã nêu một số đề xuất, kiến nghị với Bộ Công Thương và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của Bộ trong thời gian tới để không chỉ phát triển công nghiệp, thương mại mà còn tạo động lực giúp Thanh Hóa phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Cụ thể, đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện phê duyệt bổ sung quy hoạch và các thủ tục pháp lý khác khi có nhà đầu tư vào tỉnh, trước mắt, đối với 3 dự án trong lĩnh vực năng lượng đang triển khai gồm: Nhà máy điện mặt trời Kiên Thọ công suất 45 MW; Nhà máy điện mặt trời Đồng Thịnh (huyện Ngọc Lặc) công suất 44 MW (2 dự án chủ đầu tư trong nước); Nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa I (Khu kinh tế Nghi Sơn) công suất 160 MWp do Công ty BS Heidelberg Solar GmbH - Cộng hòa Liên bang Đức - đầu tư.
“Đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm bố trí nguồn kinh phí thực hiện Dự án cấp điện cho 131 thôn, bản với tổng mức đầu tư là 711,124 tỷ đồng. Năm 2015 - 2017, mới bố trí được 48 tỷ đồng cho 14 thôn. Như vậy, đến năm 2020 khó hoàn thành mục tiêu cấp điện cho 131 thôn, bản” - ông Ngô Văn Tuấn - bày tỏ.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, đối với cho các dự án cấp điện nông thôn, hiện nay, các tỉnh làm bỏ ra 15%, ngân sách trung ương là 85%, theo đó tổng kinh phí 3.000 tỷ đồng. Hiện nay, nhà nước mới bố trí hơn được hơn 2.000 tỷ đồng khoảng 78%, như vậy vẫn còn thiếu. Bộ Công Thương sẽ thống nhất với Thanh Hóa tiếp tục rà soát, cân đối nguồn lực để địa phương sớm hoàn thành việc đưa điện lưới về thôn, bản. Bên cạnh đó, trước những kiến nghị của địa phương các dự án điện mặt trời, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Bộ Công Thương ủng hộ phát triển điện mặt trời.
Một số kiến nghị khác của Sở Công Thương về việc bổ sung quy hoạch Dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016- 2025…, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ghi nhận và sẽ báo cáo Bộ Công Thương xem xét.