Bộ Công Thương họp báo thường kỳ tháng 1/2015
Tin hoạt động 05/02/2015 19:04
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (giữa) chủ trì họp báo.
Tại buổi họp báo, Bộ Công Thương đã cung cấp các thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế… trong tháng 01 năm 2015.
Mở đầu buổi họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết:
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 (theo gốc so sánh năm 2010) ước tăng 17,5% so với cùng kỳ (một lý do quan trọng là năm trước 2014, Tết Nguyên đán rơi một phần vào tháng 01, thời gian sản xuất tháng 01 năm nay nhiều hơn). Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01 tháng 01 năm 2015 tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm 2014.
Về tình hình nổi bật của một số ngành:
- Ngành Điện: Tháng 01 năm 2015, điện thương phẩm ước đạt 10,89 tỷ kWh, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Điện sản xuất đạt 12,3 tỷ kWh, tăng 24,5% so với với cùng kỳ, trong đó điện sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt 4,98 tỷ kWh, tăng 28,96% so với cùng kỳ.
- Ngành Dầu khí: Sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 01 ước đạt 1,62 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014; khai thác khí đốt (khí thiên nhiên) ước đạt 0,9 tỷ m3, tăng 5,8% so với cùng kỳ; khí hóa lỏng (LPG) ước đạt 59 nghìn tấn bằng 89,1% so với cùng kỳ năm 2014; xăng, dầu các loại đạt 570,6 nghìn tấn, tăng 4,3% so với năm 2014.
- Ngành Than: Năm 2015, với dự báo kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, nhu cầu than trong nước (đặc biệt là than cho sản xuất điện) tăng, giá than cho điện đã được điều chỉnh tiến tới theo giá thị trường. Dự kiến tháng 01 năm 2015, than sạch toàn ngành ước đạt 3,56 triệu tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ.
- Ngành Thép: Trong tháng, ngành thép sản xuất ổn định. Sản lượng thép các loại của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP ước đạt 120,7 nghìn tấn, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2014. Tháng 01, nhập khẩu thép các loại ước đạt 1,1 triệu tấn, tăng 91% so với cùng kỳ, trong đó nhập phôi thép đạt 133 nghìn tấn.
- Ngành Dệt may: Tính đến nay, nhiều doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng sản xuất đến hết quý I năm 2015, thậm chí một số doanh nghiệp lớn có đơn hàng sản xuất đến hết quý II cho sản phẩm hoàn tất. Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc tháng 01 ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ.
- Ngành Da giầy: Sản lượng giầy dép da tháng 01 năm 2015 ước đạt 24 triệu đôi, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại tháng 01 ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ.
- Ngành Bia, rượu, nước giải khát: Việc chuẩn bị hàng tới các nhà phân phối, bán lẻ đã được hoàn tất từ sớm. Do sức mua trên thị trường bia, rượu, nước giải khát sôi động khiến giá mặt hàng này cũng tăng khoảng 5,0 - 6,0%.
- Ngành Thuốc lá: Cùng với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thuốc lá cũng là mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết. Dự kiến sản lượng thuốc lá tháng 01 năm 2015 đạt 446,6 triệu bao, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Công tác chống thuốc lá lậu được triển khai mạnh mẽ.
- Các ngành khác: tháng 01 năm 2015, sản xuất ổn định, đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Về hoạt động thương mại:
- Xuất khẩu hàng hoá: Tháng 01, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 12 năm 2014 và tăng 9,7% so với tháng 01 năm 2014, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 8,2 tỷ USD tăng 10,9% so với tháng 01 năm 2014.
- Nhập khẩu hàng hoá: Tháng 01, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,5% so với tháng 12 năm 2014 và tăng 35,5% so với tháng 01 năm 2014, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 7,8 tỷ USD, tăng 41,4% so với tháng 01 năm 2014.
- Cán cân thương mại: Tháng 01 ước nhập siêu 0,5 tỷ USD, bằng 3,9% kim ngạch xuất khẩu, trong đó: khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 1,19 tỷ USD; khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 0,69 tỷ USD.
Về tình hình phát triển thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 01 ước đạt 275,454 nghìn tỷ đồng tăng 13% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01 giảm 0,2% so với tháng 12 năm 2014 và tăng 0,94% so với tháng 01 năm 2014.
Về công tác quản lý thị trường, kết quả tháng 01 năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra trên 28.521 vụ; phát hiện, xử lý trên 15.468 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách trên 40 tỷ đồng; đã kiểm tra 138 vụ, xử lý 116 vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 481.659.000 đồng; thu giữ 32.936 bao, 01 xe máy.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ BÁO CHÍ QUAN TÂM TẠI CUỘC HỌP BÁO
Trong khuôn khổ họp báo, Thứ trưởng, Người phát ngôn Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và đại diện các Tổng cục, Cục, Vụ đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên báo chí.
- Phóng viên Nguyễn Ngọc – Kênh Truyền hình VITV: Vừa qua, Chính phủ yêu cầu EVN tính toán lại giá điện. Liệu giá điện có tăng trong Quý I hay không?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Ngày 22 tháng 01 năm 2015, tại trụ sở Bộ Công Thương, trong cuộc họp của Tổ công tác liên Bộ (gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 3 Bộ: Công Thương, Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư) về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, sau khi nghe báo cáo của các bộ, ngành và các doanh nghiệp, trong đó có EVN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến chỉ đạo: Thứ nhất, về giá điện: Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc nhất quán chủ trương điều chỉnh giá điện theo thị trường. Tuy nhiên, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu để đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp trình Thủ tướng Chính phủ sau Tết Nguyên đán Ất Mùi. Thứ hai: Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần triển khai ngay việc rà soát để giảm mạnh chi phí giá điện nhằm giảm giá thành, nhất là vấn đề giảm hao hụt điện năng và tăng năng suất lao động (trong đó có việc nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp). Vì vậy, trả lời câu hỏi của phóng viên, Bộ Công Thương khẳng định: từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi sẽ không tăng giá điện. Sau Tết, theo đề xuất của EVN, Bộ Công Thương sẽ xem xét trên cơ sở quy định hiện hành và theo thẩm quyền và tình hình thực tiễn để có quyết định, đề xuất phù hợp. Trong tháng 3, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh giá điện
- Phóng viên Mai Hương – Báo Nông thôn Ngày nay:
1. Giá điện vẫn đang bị dư luận cho là chưa minh bạch, Thứ trưởng có ý kiến gì?
2. Vừa qua, EVN đã đề xuất mức tăng giá điện cụ thể là bao nhiêu?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Thực tế hiện nay, giá bán điện thấp hơn giá thành. Vừa qua trong cuộc họp về tình hình tài chính của EVN, với sự trực tiếp tham gia của các tổ chức quốc tế như World Bank (WB), các Công ty tư vấn quốc tế..., theo kết quả công bố, giá điện thương phẩm hiện nay đang dưới giá thành. World Bank đã cho Việt Nam và EVN vay nhiều khoản tín dụng lớn và đã tài trợ, đưa vào những nhà tư vấn, kiểm toán để xác định tình hình thực tế sản xuất và kinh doanh của EVN như thế nào. Để khắc phục việc này, một mặt, EVN phải rà soát để giảm mạnh chi phí giá điện nhằm giảm giá thành, giảm hao hụt điện năng và tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả việc quản trị doanh nghiệp. Mặt khác, về lâu dài, giá điện cần phải điều chỉnh theo thị trường. Đây cũng là việc làm cần thiết theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với đề xuất tăng giá điện của EVN, Bộ Công Thương sẽ thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Theo quyền hạn của Bộ Công Thương, nếu mức tăng từ 7 – 10%, Bộ Công Thương sẽ xem xét, quyết định. Còn nếu mức tăng trên 10%, doanh nghiệp phải gửi đề xuất báo cáo sang Bộ Tài chính để thẩm định. Sau đó, căn cứ vào ý kiến đề xuất của doanh nghiệp và ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ để xem xét, quyết định.
- Phóng viên Nguyễn Thảo – Báo Diễn đàn Đầu tư BizLive: Giá điện có thể được điều chỉnh tăng trong thời gian tới đây. Theo Thứ trưởng, giá điện tăng, ai là người được hưởng lợi?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ: về nguyên tắc giá các mặt hàng thiết yếu, trong đó có điện, xăng dầu…sẽ được điều hành, điều chỉnh theo thị trường. Hiện nay, giá xăng dầu điều hành theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 được dư luận đánh giá tích cực, đã được điều hành theo thị trường; Khi giá xăng dầu thế giới giảm, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người dân cũng sẽ được hưởng lợi từ giá giảm đó, khi giá xăng dầu tăng thì các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người dân phải mua theo giá thị trường thế giới. Tương tự như vậy, đối với mặt hàng điện, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo, về nguyên tắc chủ trương điều chỉnh giá điện tiệm cận theo thị trường. Nhiều tổ chức quốc tế, tromg đó có Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo giá điện thương phẩm hiện nay của Việt Nam thấp hơn giá thành, dẫn đến không thu hút thêm được các nhà đầu tư để sản xuất điện năng… Như vậy, chủ yếu chỉ có EVN sản xuất điện và Chính phủ vẫn phải bù lỗ, trong khi doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực mạnh) không dám đầu tư vào lĩnh vực này. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp FDI sử dụng điện năng nhiều cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình như: xi măng, thép… được hưởng lợi từ giá điện rẻ hơn giá thành, trong khi Chính phủ vẫn phải trợ giá điện. Chính vì vậy, giá điện cần tiệm cận giá thị trường để có nhiều sự cạnh tranh hơn, có nhiều nhà cung cấp điện năng hơn, chứ không phải như tình hình thực tế hiện nay. Nếu thực hiện được việc đó, Chính phủ được lợi vì không phải bù lỗ như hiện nay. Doanh nghiệp (trong và ngoài nước) cũng được hưởng lợi vì được tham gia thị trường cung cấp điện năng cạnh tranh lành mạnh và khi có sự cạnh tranh lành mạnh thì từng doanh nghiệp phải giảm chi phí thấp nhất, tăng hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, tạo ra giá thành điện rẻ nhất. Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng thì trước mắt, khi giá điện tăng (tiệm cận đến giá thị trường) sẽ phải tính đến việc tiêu dùng điện năng tiết kiệm, nếu không muốn chi phí dành cho việc tiêu thụ điện năng tăng hoặc sẽ phải tăng chi phí khi sử dụng điện năng như hiện nay đang sử dụng.Tuy nhiên, về lâu dài, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng sẽ được hưởng mức giá điện cạnh tranh và được hưởng các phúc lợi xã hội khác từ Chính phủ khi các khoản bù lỗ của Chính phủ cho mặt hàng điện như hiện nay sẽ được đầu tư vào việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như đầu tư cho phúc lợi xã hội của người dân chúng ta. Khi giá điện được điều chỉnh tiệm cận với giá thị trường, Chính phủ vẫn có những chính sách đối với người nghèo, các đối tượng chính sách như hiện nay (Hiện nay, cả nước có khoảng 2,7 triệu hộ thuộc diện nghèo được Chính phủ hỗ trợ 30 số điện/hộ/1 tháng dùng không mất tiền). Vì vậy, có thể nói việc điều chỉnh giá điện theo thị trường mang lại lợi ích cho tất cả các đối tượng có liên quan.
- Phóng viên Nguyễn Ngọc – Kênh Truyền hình VITV:
- Xuất khẩu thủy sản tháng 01 giảm mạnh. Điều này có bất thường không?
2. Bộ Công Thương đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô lên tới gần 200%. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bộ Công Thương có thể lý giải?
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải trả lời:
Trong hoạt động xuất nhập khẩu có sự dao động biến động các mặt hàng. Đối với nước ta các mặt hàng nông sản được Chính phủ, Bộ Công Thương, doanh nghiệp cũng như mọi người quan tâm vì liên quan mật thiết tới người nông dân, đối tượng liên quan rất rộng. Với thủy sản thì cũng giống như các mặt hàng nông sản khác, việc sản xuất phụ thuộc vào nhiều yếu tố thiên nhiên như thời tiết bão lũ, sâu bệnh, đầu ra, giá cả. Những năm qua, thủy sản có tăng trưởng tốt. Hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam là tôm và cá tra đều đứng Top đầu trong thời gian qua đã có sự sụt giảm. Theo thống kê sơ bộ, tháng 01 năm 2015, xuất khẩu thủy sản đạt 500 triệu USD, giảm 9,7 % so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đây không phải là biến động đáng lo ngại. Vì thời điểm cuối năm 2014, các doanh nghiệp đã tăng cường sản xuất để đáp ứng tiến độ giao hàng, nên khi vào đầu năm mới cũng là dịp các doanh nghiệp nhập khẩu tại các thị trường chính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản nghỉ Tết nên lượng nhập khẩu thủy sản bị giảm sút.
Đây là nguyên nhân bình thường. Chúng tôi kỳ vọng các tháng tới, xuất khẩu các mặt hàng này sẽ tăng trưởng trở lại vì tình hình sản xuất thủy sản của Việt Nam hiện không có vấn đề gì lớn.
Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Nguyễn Ngọc Thành trả lời:
Dư luận vừa qua nói nhiều về đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô lên 200%. Thực tế, do dòng xe trên 3.0 là dòng xe không khuyến khích phát triển theo Chiến lược-Quy hoạch phát triển đã được phê duyệt. Với quan điểm đó, Vụ Công nghiệp nặng đã có đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe này theo định hướng của Chiến lược-Quy hoạch, về thuế suất cụ thể sẽ do Bộ Công Thương phối hợp với Bô Tài chính rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội để sửa Luât Thuế TTĐB vào thời điểm thích hợp. Với dòng xe dưới 2.0, áp dụng mức thuế ưu đãi thuế TTĐB hiện hành đối với dòng xe thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu theo định hướng của CL-QH đã được phê duyệt.
- Phóng viên Hải Yến – Kênh Truyền hình Quốc hội: Hiện lượng đường tồn kho trong nước lớn. Tuy nhiên, tại sao Việt Nam hàng năm vẫn phải nhập khẩu đường. Hiện Bộ Công Thương có giải pháp nào để thúc đẩy xuất khẩu đường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều, Tuy nhiên, cùng với những lợi thế đó, Việt Nam cũng phải thực hiện một số cam kết, trong đó có cam kết hàng năm phải nhập khẩu lượng đường tối thiểu. Do đó, dù hiện nay còn có tồn kho về mặt hàng đường trong nước, sau khi thống nhất với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và sự đồng thuận của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư công bố lượng hạn ngạch thuế quan đường nhập khẩu năm 2015 là 81.000 tấn, đúng bằng mức tối thiểu cam kết WTO.
Về xuất khẩu đường, nước ta đang xuất khẩu một lượng đường lớn sang thị trường Trung Quốc. Bộ Công Thương đã giao các đơn vị thuộc Bộ, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương… tìm biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu đường của Việt Nam để không quá phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay. Bộ Công Thương cũng đang khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu đường sang nhiều thị trường khác với điều kiện việc xuất khẩu này đảm bảo đúng với cam kết song phương, tuân thủ các cam kết của quốc tế, cam kết xuất nhập khẩu giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ…
- Phóng viên Phạm Tuyên – Báo Tiền phong: Lực lượng Quản lý thị trường từ nay đến Tết sẽ kiểm soát thực phẩm bẩn, rượu giả, hàng nhái như thế nào? Người dân khi cần có thể phản ánh theo số điện thoại nào?
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đỗ Thanh Lam trả lời:
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương về triển khai công tác Quản lý thị trường từ nay đến Tết Ất Mùi, để bảo vệ thị trường trong nước và quyền lợi người tiêu dùng, Cục sẽ triển khai theo các nhóm nhiệm vụ: Một là, Cục chỉ đạo tất cả cơ quan Quản lý thị trường các cấp thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, của Bộ Công Thương về Quản lý thị trường, coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung nguồn lực xử lý ngay từ giữa tháng 10, 11 đến hết Tết; mở đợt cao điểm chống hàng giả, hàng lậu. Hai là, trong kế hoạch kiểm tra, kiểm soát các hành vi gian lận thương mại, Cục sẽ triển khai nhiều nội dung. Trước hết, tập trung vào các địa bàn trọng điểm. Về mặt hàng, chú trọng các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như bia, rượu, nước giải khát, thực phẩm chế biến, hàng may mặc. Trong đó, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng cấm như pháo. Năm 2014, qua kiểm tra, Cục đã phát hiện phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng. Theo đó, các đối tượng không chỉ tập trung hàng hóa vào thời điểm Tết mà đã thực hiện các hành vi vi phạm từ giữa năm hoặc không đi theo tuyến phía Bắc mà chuyển sang đi qua tuyến miền Trung. Đây là vấn đề gây khó khăn cho việc kiểm tra kiểm soát. Ba là, Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục phải tập trung mọi nguồn lực bảo đảm túc trực 24/24 giờ để đáp ứng các yêu cầu, đặc biệt nắm chặt diễn biến thị trường để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nếu phát hiện vấn đề, người dân có thể gọi đến số máy đường dây nóng của Phòng Phòng chống buôn lậu của Cục Quản lý thị trường: 043 8255 834 (số máy lẻ 106).
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời:
Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là năm 2014, Bộ Công Thương luôn coi công tác chống buôn lậu thương mại và hàng giả là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành và của Bộ Công Thương. Chúng tôi khẳng định, công tác nhiệm vụ quan trọng này đã được triển khai quyết liệt, thường xuyên và sẽ được triển khai lâu dài. Lãnh đạo Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cùng các Bộ, ngành, địa phương đã đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của Bộ Công Thương nói chung và lực lượng Quản lý thị trường nói riêng trong công tác quan trọng này, nhất là trong năm 2014.
- Phóng viên Nam Giang – Báo Pháp luật Thành phố HCM:
1. Hiện, Ông Hoàng Quốc Vượng lại về làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Bộ đã phân công công việc ra sao cho ông Vượng, bởi các công việc khối Năng lượng lâu nay được giao cho Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phụ trách?
2. Ai sẽ là người thay Ông Hoàng Quốc Vượng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN?
3. Theo thông tin được biết, Bộ Công Thương đang có phương án thành lập Bộ Năng lượng trên cơ sở Tổng cục Năng lượng. Bộ có chia sẻ những nội dung của phương án này?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Sáng nay (ngày 02 tháng 02 năm 2015), trong cuộc họp Giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã công bố và trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều động, bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Vượng – nguyên là Chủ tịch HĐTV của EVN về đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Hiện nay, khối lượng công việc mà Chính phủ giao Bộ Công Thương là rất lớn, bởi Bộ Công Thương được hình thành từ 9 Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ trước đây. Do đó, công việc của các Thứ trưởng, là những người giúp việc cho Bộ trưởng cũng hết sức nặng nề. Vì vậy, theo ý kiến của Tôi, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Đồng chí Bộ trưởng và tất cả các Đồng chí Thứ trưởng đều mong muốn có sự bổ sung Lãnh đạo Bộ, có sự phân công lại công việc để giúp các Đồng chí Thứ trưởng khác làm tốt hơn công việc, chức năng được phân công và điều quan trọng là đảm bảo thực hiện tốt nhất công việc Bộ Công Thương được cấp trên giao phó.
Về nhân sự thay đồng chí Hoàng Quốc Vượng tại EVN, việc này phải tuân thủ theo đúng quy trình, quy định. Đây là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, chức trách này tạm thời được giao cho ông Phạm Lê Thanh – Tổng Giám đốc EVN phụ trách.
Về việc thành lập Bộ Năng lượng, thứ nhất, đây không phải là thẩm quyền của Bộ Công Thương (kể cả khi Bộ Công Thương muốn thành lập ra Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng phải xin ý kiến Thủ tướng xem xét quyết định). Thứ hai: đúng là, trong Nghị quyết của Ban Chấp hành TW Đảng kỳ họp Đại hội Đảng toàn quốc kỳ trước có nói đến việc có thể thành lập một Cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng, tuy nhiên, đây là chức trách, quyền hạn của các Cơ quan cấp trên.
- Phóng viên Bích Diệp - Báo Dân trí: Hiện nay, dịch vụ taxi Uber có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không?
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh Nguyễn Phương Nam trả lời:
Dịch vụ taxi Uber là loại hình kinh doanh mới xuất hiện ở Việt Nam. Qua các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, dịch vụ taxi Uber tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Vì vậy, Cục Quản lý cạnh tranh đang theo dõi chặt chẽ, phối hợp với các bộ, ngành để xem xét xem loại hình kinh doanh dịch vụ taxi Uber có phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam hay không.
- Phóng viên Ngọc Diệp- Hãng tin Bloomberg: Theo thông tin từ cuộc họp của Chính phủ, Chính phủ sẽ có kế hoạch dự trữ 1-1,5 triệu tấn xăng dầu trong năm nay. Xin Thứ trưởng cho biết, công ty nào sẽ thực hiện, vốn từ đâu và khi nào triển khai?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
Xăng dầu là mặt hàng hết sức thiết yếu, nhạy cảm với nền kinh tế đất nước, cũng như đời sống người dân Việt Nam. Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ đảm bảo cung ứng và đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó có mặt hàng xăng dầu.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện việc quản lý, điều hành xăng dầu theo Nghị định 83 của Chính phủ, bước đầu được dư luận đánh giá tốt, đưa mặt hàng xăng dầu vận hành theo đúng quy luật kinh tế thị trường. Có thể khẳng định với việc Nghị định 83 có hiệu lực, giá xăng dầu bước đầu đã vận hành theo thị trường. Như chúng ta biết, thời gian qua, chúng ta đã bám sát giá cả thị trường thế giới, qua các đầu mối bán xăng dầu đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.
Hiện nay, Việt Nam có 19 đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam. Các đầu mối này phải đảm bảo hậu cần, kho bãi, các thiết bị, kể cả xăng dầu trong hệ thống phân phối… đã được Bộ Công Thương, địa phương chấp thuận, cũng như giám sát kiểm tra, đảm bảo an ninh năng lượng xăng dầu với sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Nhà nước tùy theo tình hình thực tế cũng có dự trữ quốc gia phù hợp.