Tiếp tục điều hành giá xăng dầu đảm bảo kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp Điều hành giá: Thận trọng, linh hoạt, chủ động |
Điều hành linh hoạt các mặt hàng thiết yếu
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về tổng kết đánh giá công tác điều hành giá quý III/2021, kịch bản điều hành giá quý IV/2021, đầu năm 2022, thông tin về các mặt hàng cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% đến 52,59%.
|
Tại thị trường trong nước, để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, tránh gây ảnh hưởng đến giá các mặt hàng khác, thời gian qua, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã phải liên tục chi từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức chi hơn 9.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Quỹ thì chỉ có hạn và các doanh nghiệp xăng dầu như Petrolimex, PV OIL đã âm quỹ quỹ bình ổn. Ví dụ Petrolimex âm 700 tỷ đồng, PV OIL âm 200 tỷ đồng. “Hiện nay, ta rất mong muốn là giữ được giá xăng dầu hoặc giảm là tốt nhất, còn nếu tăng thì mức tăng ít nhất. Nhưng việc điều hành vẫn phải đảm bảo phản ánh được xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới và quan trọng nhất là phải phù hợp với thực tế hiện nay là dư địa điều hành của chúng ta. Tức là chỉ có hai cách, hoặc phải tăng theo giá thế giới, hoặc phải giảm thuế” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.
Bộ Công Thương đã có báo cáo Chính phủ về việc hiện cơ cấu thuế đang chiếm hơn 40% giá thành sản xuất xăng dầu. Trong khi đó, các dự báo đều cho rằng, giá xăng dầu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm và khả năng trong quý IV có thể tăng lên 105-110 USD/thùng. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì ta cũng phải có dư địa để điều chỉnh. Còn nếu không có công cụ gì, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng đúng theo giá thế giới.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng khẳng định rằng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tài chính để có thể đảm bảo làm được những gì tốt nhất trong phạm vi năng lực và tính toán xem công cụ mà chúng ta có trong tay là gì để có thể điều hành tốt nhất giá xăng dầu trong nước”.
Đối với mặt hàng điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, ta đã tăng giá điện lần cuối vào tháng 3/2018. 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá điện đã thực hiện giảm 5 lần với tổng số tiền lên đến 16.650 tỷ đồng. Bộ Công Thương khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ cố gắng không tăng giá điện để không ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đời sống người dân dịp cuối năm.
Riêng với các mặt hàng thiết yếu để bình ổn thị trường, vào dịp cuối năm, Bộ Công Thương đều phối hợp với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh để rà soát nhằm đảm bảo được nguồn cung hàng hóa cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Một trong những biện pháp quan trọng mà Bộ Công Thương đã rất khuyến khích và yêu cầu các địa phương là cho phép mở lại các chợ truyền thống, chợ đầu mối. Tuy nhiên, ở các tỉnh, kể cả thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh ban đầu rất rụt rè và thậm chí, hiện nay vẫn có tình trạng chỉ cần một trường hợp F0 trong chợ sẽ đóng cửa chợ. Trong khi đó, nếu không có chợ đầu mối thì không có nơi cung cấp nguồn hàng và lưu thông phân phối hàng hóa cho các địa phương. Đơn cử, chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh đã chiếm đến 70% lượng giao dịch hàng hóa tại thành phố và không chỉ phục vụ cho TP Hồ Chí Minh và còn phục vụ cho nhiều tỉnh, thành phố phía Nam khác.
“Thời điểm này, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Nhiều người đã được tiêm vắc xin nên quan điểm của chúng ta cũng cần linh hoạt hơn. Khi có nhiều chợ được hoạt động thì lưu thông hàng hóa sẽ khác, giá cả hàng hóa cũng sẽ được cải thiện” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Phối hợp đảm bảo giữ bình ổn giá
Về giải pháp cho những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các Bộ ngành tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, tình hình lạm phát chung của các quốc gia, diễn biến các thị trường Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu lớn để chủ động có giải pháp phù hợp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ ngành tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình chủ động có giải pháp phù hợp |
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, Tết Nguyên đán và đầu năm 2022. Đây là những việc Ban Chỉ đạo điều hành giá đã làm hằng năm, nhưng năm nay có đặc thù là nền kinh tế bị tác động nặng nề của dịch bệnh cho nên cần hết sức lưu ý để tổ chức công tác dự trữ, bình ổn hợp lý.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải giữ ổn định giá các hàng hóa nhà nước định giá, sát với tình hình, bảo đảm kiểm soát được lạm phát chung, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Đối với giá các dịch vụ công triển khai theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệm công lập, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số bộ ngành khác cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, cơ sở để thực hiện. Bộ Y tế cần tập trung hơn trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh, “phân loại ra, cái gì đã đủ điều kiện rồi thì làm sớm, làm trước”.
Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước tiếp tục chủ động phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình tập trung quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá đối với các mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu; điện; thực phẩm; phân bón và thức ăn chăn nuôi; thuốc chữa bệnh và sinh phẩm, vật tư y tế… Các bộ ngành cần phát huy những kết quả đã đạt được, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2021, tạo dư địa để điều hành giá trong năm 2022.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)