Bộ Công Thương: Kỳ tích đến từ những nỗ lực thực tế
Thưa Bộ trưởng, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) cả nước chính thức cán mốc kỷ lục 500 tỷ USD và cũng là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Nhận định của Bộ trưởng về kỳ tích trên?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Lắng nghe phân tích từ chính các nhà lãnh đạo, các chuyên gia và đánh giá khách quan từ các tổ chức quốc tế thời gian gần đây, chúng ta thấy rất rõ vai trò thực sự của Bộ Công Thương - các kỳ tích không phải chỉ dựa vào những con số báo cáo mà thành tựu được đơm hoa kết trái từ chính nỗ lực thực tế. Đây cũng là một trong các chỉ tiêu kinh tế quan trọng thiết lập những kỷ lục mới với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 264 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 516,96 tỷ USD; xuất siêu đạt mức kỷ lục 9,94 tỷ USD. Với mức tăng kim ngạch xuất khẩu cả nước so với năm 2018 là 8,1% - vượt chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao. Điều đáng mừng nữa là xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã cao hơn so với khối doanh nghiệp FDI; đạt 82,1 tỷ USD, tăng 17,7%; cao hơn 4 lần so với khối doanh nghiệp FDI (4,2%).
Bộ Công Thương là Bộ đi đầu trong cải cách thể chế. Công tác này của Bộ Công Thương góp phần không nhỏ vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Năm 2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Đặc biệt, Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu 46,4 tỷ USD); EU (xuất siêu 26,9 tỷ USD).
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 14 FTA đã ký kết (13 FTA đã có hiệu lực). Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất thế giới (xấp xỉ 200%) với việc có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường toàn cầu, trong đó 60 nền kinh tế có FTA với Việt Nam với 15/20 nước G20 - đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng tiếp cận được thị trường khu vực và thị trường toàn cầu, bởi phần lớn các rào cản trong thương mại quốc tế dần được cam kết dỡ bỏ như các hàng rào thuế quan; các rào cản về thủ tục pháp lý đồng thời cũng được giảm thiểu và tối giản hơn. Đây là cơ hội để doanh nghiệp kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiểm tra tình hình triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 |
Cùng với Hiệp định CPTPP đã được phê chuẩn, việc Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVFTA và IPA) chính thức được ký kết là cú huých rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam; chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau, củ, quả), đồ gỗ...
Cuối năm 2019, phát biểu tại Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 500 tỷ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Công Thương và các bộ, ngành trong việc đàm phán các FTA, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại của nước ta. Sự động viên của Thủ tướng cũng là động lực để Bộ Công Thương hoạch định các kế hoạch cụ thể, tiến tới hiện thực hóa mục tiêu năm 2020 Việt Nam cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD, cán đích năm thứ 5 Việt Nam xuất siêu - theo đề nghị của Thủ tướng.
Khác với các năm trước đây, tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Chuyển dịch công nghiệp được coi là động lực quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Đánh giá của Bộ trưởng về sự thay đổi này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Ngành công nghiệp khai khoáng giảm theo định hướng tái cơ cấu chung của ngành, nhưng vẫn có mức tăng trưởng dương (tăng 1,29% so với cùng kỳ). Chúng ta đã linh hoạt trong điều tiết sản lượng khai thác trên cơ sở bám sát diễn biến của thị trường dầu thô thế giới, qua đó bảo đảm lợi ích cao nhất cho nền kinh tế nước ta. Tăng trưởng giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản (tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP theo giá cơ bản giai đoạn 2016-2019 tăng qua từng năm (năm 2016 là 14,3%; năm 2017 là 15,3%; năm 2018 là 16%), trong khi đó, tỷ trọng của nhóm ngành khai khoáng giảm dần (năm 2016 là 8,1%; năm 2017 là 7,5%; năm 2018 là 7,4%) và tăng trưởng tín dụng, từng bước dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 |
Động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 4,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 9,7% so với cùng kỳ thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,33% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,87% của năm 2018 và 81% năm 2017.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vững vị trí là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng cao 11,29%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 9,1%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho toàn ngành từ đầu năm (tăng 9%).
Nhiều dự án công nghiệp lớn đã đóng góp quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển như: Dự án thép Formosa Hà Tĩnh năm 2019 đi vào vận hành hết công suất 2 lò cao với sản lượng dự kiến đạt 6,7 triệu tấn/năm; Nhà máy sản xuất ôtô VinFast; Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2 với dự kiến mỗi năm sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 68,4 triệu kWh…
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trả lời rõ ràng, lưu loát, nắm chắc vấn đề trong công tác quản lý, điều hành của ngành |
Trong bối cảnh nhu cầu điện năng tăng cao trên 10%/năm suốt thập kỷ qua, Bộ Công Thương đã có nỗ lực rất lớn, từ chỗ chỉ có 31,5 MW công suất năm 1954, đến nay tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia khoảng 54.850 MW. Tăng trưởng sản lượng điện tiêu thụ cho khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng vẫn duy trì tốc độ tốt. Chỉ số tiếp cận điện năng tăng năm thứ 6 liên tiếp, đứng thứ 4 trong khu vực Asean- nằm trong nhóm ASEAN-4, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế.
Những con số nêu trên đọc qua thì tưởng như bình thường, nhưng nhìn ở khía cạnh xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ lại có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nhìn từ con số kỷ lục của xuất siêu, càng khẳng định hướng đi đúng của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Nhiều năm qua, Bộ Công Thương luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là Bộ đi đầu, gương mẫu trong cải cách hành chính. Thực tế cho thấy, mỗi ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã được Bộ trưởng tiếp thu ngay thông qua các hội nghị triển khai kế hoạch hành động thiết thực - thể hiện tinh thần cầu thị, một sự quyết tâm thực chất chứ không phải chỉ là sự đối phó. Vậy năm 2020, Bộ sẽ làm gì để tiếp tục tiến tới đích là “Bộ Công Thương điện tử”?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương đã vươn lên vị trí thứ 2 về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ và đang quyết tâm trở thành Bộ Công Thương điện tử trong thời gian sớm nhất.
Sau khi là Bộ đầu tiên hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa 675/1.216 điều kiện kinh doanh vào năm 2017 (tiết kiệm hơn 122.000 ngày công mỗi năm), Bộ Công Thương tiếp tục là Bộ đầu tiên ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh lần thứ 2 cho giai đoạn 2019 - 2020. Năm 2019, Bộ Công Thương tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm 33 thủ tục hành chính, toàn bộ 445 thủ tục hành chính đã được Bộ Công Thương công bố và cập nhật công khai đầy đủ.
Trong năm 2019, Bộ Công Thương cũng là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện việc thí điểm kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; chủ động lựa chọn những dịch vụ công thuộc thẩm quyền của Bộ có số lượng hồ sơ lớn, có tác động trực tiếp người dân, doanh nghiệp để đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bộ Công Thương là một trong ba Bộ đầu tiên tham gia kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia, đến nay đã có 17 thủ tục được kết nối.
Gần đây nhất, ngày 9/12/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 3624/QĐ-BCT về việc ban hành Quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử hoàn toàn, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Theo đó, doanh nghiệp sẽ nộp toàn bộ các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp C/O qua mạng Internet. Tổ chức cấp C/O phê duyệt, chấp thuận cấp C/O và gửi dữ liệu qua Tổng cục Hải quan sang các nước ASEAN, không phát hành C/O giấy. Như vậy, đây là một thủ tục hành chính trực tuyến ở cấp độ 4. Có thể nói, việc cấp C/O mẫu D điện tử tạo ra một phong cách làm việc mới, không cần có sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và người cung cấp dịch vụ công. Khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu ở các tổ chức cấp C/O cũng sẽ giảm đáng kể. Nhờ vậy, các tổ chức cấp C/O có thể tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ cấp C/O mẫu ưu đãi khác.
Những ví dụ điển hình về sự vào cuộc ngay sau mỗi chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ có thể kể đến:
Sau chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cuối tháng 11/2019, để hướng tới mục tiêu hai bên đạt kim ngạch 100 tỷ USD vào năm 2020, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đoàn thể hai nước sẽ sớm có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai các thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và các văn bản hợp tác đã ký; tích cực rà soát, kiến nghị biện pháp giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương đã cùng phối hợp, xây dựng kế hoạch hành động, nhằm hiện thực hóa kết quả của chuyến công tác, hướng tới những mục tiêu cụ thể đã nêu trên.
Ngày 7/1/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký Quyết định số 38/QĐ-BCT ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Chương trình hành động này được ban hành nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Quyết định 38/QĐ-BCT đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động và tích cực triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội.
Bộ Công Thương cũng đã sớm triển khai và hoàn thiện Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ.
Cải cách của Bộ Công Thương không chỉ dừng lại ở đó mà đã ban hành chương trình cải cách bài bản, rà soát điều kiện kinh doanh do Bộ phụ trách và lên các phương án cải cách được các doanh nghiệp đánh giá là “khá đồng bộ”. Bên cạnh việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hành chính của riêng mình, Bộ cũng đã đề xuất, kiến nghị, đưa ra được những phương thức mới trong công tác này trong thời gian tới.
Bộ Công Thương hiện đã có sự thay đổi về tư duy, nhận thức trong quản lý, điều hành hoạt động của ngành Công Thương từ nhà nước quản lý sang nhà nước kiến tạo, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách hành chính, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước của ngành theo hướng chính phủ điện tử, thực hiện cải cách mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp kiểm tra tình hình buôn lậu qua biên giới trên địa bàn tỉnh Long An |
Trong công nghiệp: Bộ đã tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ cấu lại các động lực phát triển trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo; đồng thời tạo ra các động lực tăng trưởng mới với việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là hình thành hệ thống các doanh nghiệp công nghiệp nội địa có tiềm lực trong phát triển các ngành công nghiệp; lấy năng suất lao động và ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm nền tảng trong phát triển công nghiệp; thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương. Nhờ thế, quá trình phát triển ngành công nghiệp đã đi vào thực chất hơn, sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng và gia tăng cao, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 8,8% năm 2010 lên 10,2% năm 2018 và 9,1% năm 2019. Cơ cấu các ngành công nghiệp đã chuyển dịch mạnh mẽ và tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành (giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo). Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã trở thành đầu tàu phát triển của toàn ngành công nghiệp với mức tăng trưởng IIP trong các năm gần đây, từ 11,3% năm 2016 lên 12,3% năm 2018; 10,5% năm 2019. Một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh toàn cầu và có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới hiện nay như dệt may (đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu với kim ngạch năm 2018 đạt 30,5 tỷ USD), da giày (thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu với kim ngạch năm 2018 đạt 16,23 tỷ USD), điện tử (đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu, trong đó mặt hàng điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới với kim ngạch năm 2018 đạt 49,08 tỷ USD), thủy sản (đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu với kim ngạch khoảng 8,8 tỷ USD), đồ gỗ (đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu với kim ngạch năm 2018 đạt 8,9 tỷ USD).
Bộ Công Thương làm lĩnh vực cải cách hành chính rất bài bản, tự nguyện và hoàn toàn xuất phát từ yêu cầu tự thân cũng như tư duy quản lý chứ không phải từ ép buộc củaThủ tướng Chính phủ. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam |
Đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn kinh tế của Việt Nam có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo như các tập đoàn: Vingroup, Trường Hải, Thành Công trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô; Vinamilk, TH True Milk trong lĩnh vực sản xuất chế biến sữa và thực phẩm; Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH Hòa Bình Minh, Công ty thép Pomina, Công ty Cổ phần thép Nam Kim trong lĩnh vực sắt thép, kim khí. Đáng ghi nhận, việc Công ty VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup của Việt Nam chính thức sản xuất và bán ra thị trường các mẫu xe ôtô do Việt Nam sản xuất đã cho thấy những bước chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.
Về xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế: Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mới nổi có mức độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới. Đây là thành quả của việc Việt Nam đã chuyển dịch về hội nhập theo hướng tiếp cận ở trình độ cao hơn với việc tham gia đàm phán và ký kết các FTA thế hệ mới với các cam kết sâu hơn, đa dạng hơn.
Việt Nam đã thực hiện từng bước dịch chuyển từ quốc gia nỗ lực tham gia hội nhập sang quốc gia dẫn dắt quá trình hội nhập với việc chủ động trong việc đàm phán với các nước khác về việc hình thành các khu vực thương mại tự do. Một trong những thành quả nổi bật đó chính là Việt Nam - một trong các thành viên tham gia chủ động và ký kết Hiệp định CPTPP, EVFTA và IPA, qua đó là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu, giờ đây, đầu tư vào Việt Nam là có thể tiếp cận được hầu hết các thị trường lớn của thế giới với độ mở thương mại của quốc gia hiện nay đạt trên 200% GDP.
Về phát triển thương mại nội địa: Thương mại nội địa đã trở thành một trụ cột quan trọng của phát triển ngành với sức mạnh của thị trường gần 100 triệu dân có thu nhập ngày càng cao, trong đó tầng lớp trung lưu chiếm 13,5% dân số. Bên cạnh việc mở cửa thị trường dịch vụ phân phối để thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển và hiện đại hóa hệ thống phân phối, Việt Nam đã phát triển được các thương hiệu phân phối trong nước đủ khả năng để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài.
Năm 2020, Bộ Công Thương xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đưa vào Chương trình hành động triển khai các Nghị quyết số 01, 02 và 35, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một cách đồng bộ ngay từ ngày đầu năm, bám sát kịch bản tăng trưởng để tổ chức điều hành. Tinh thần quyết tâm, đổi mới, quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành được chú trọng đặc biệt vào những vấn đề nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Mục tiêu năm 2020 của Bộ Công Thương, công tác thể chế, hoàn thiện thế chế, cải cách, hoàn thiện pháp luật, tham mưu chính sách, điều hành chính sách đều hướng tới mục tiêu duy nhất phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong tâm thế của chiến lược mới, của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, theo đó xây dựng 5 trọng tâm cơ bản:
Trọng tâm thứ nhất: Tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, theo hướng nâng cao hàm lượng khoa học - công nghệ; phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế và giá trị gia tăng cao. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp FDI và tham gia ở mức cao hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Trọng tâm thứ hai: Khắc phục các vấn đề tồn tại để bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm không để xảy ra thiếu điện phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Trước mắt là tập trung hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo, bảo đảm cân đối nguồn và lưới điện. Sau đó là tích cực, quyết liệt, phối hợp cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước giải quyết vướng mắc cho các dự án điện đang triển khai; đưa các dự án này sớm đi vào hoạt động.
Trọng tâm thứ ba: Phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chính quy của hoạt động xuất khẩu, tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tạo kết nối tốt hơn giữa sản xuất nông nghiệp và thị trường. Chủ động và nghiêm túc trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng cho hàng hóa sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu.
Trọng tâm thứ tư: Tập trung phát triển thị trường trong nước, kích cầu nội địa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Gắn với đó là nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn cả nước, tăng cường quản lý, kiểm tra thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trọng tâm thứ năm: Nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế. Chú trọng nâng cao năng lực hội nhập quốc tế thông qua phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức trong toàn xã hội. Thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 để nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tập trung hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVFTA và IPA, có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội do Hiệp định này tạo ra.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!