Thêm nhiều dịch vụ công
Nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về cải cách thủ tục hành chính, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức cung cấp thông tin và dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, ngày 13/2/2017, Cục Điều tiết Điện lực đã có văn bản số 05/TB-ĐTĐL thông báo về những dịch vụ công trực tuyến thực hiện trên cổng dịch vụ công của Bộ tại địa chỉ //www.online.moit.gov.vn với 4 thủ tục gồm: Cấp giấy phép hoạt động điện lực; đăng ký tham gia thị trường điện; cấp thẻ kiểm tra viên điện lực; phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài.
Trước đó, Cục Xúc tiến thương mại đã hoàn thành việc xây dựng và bắt đầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 đối với các thủ tục hành chính như: Cấp giấy phép thành lập và hoạt động văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; phê duyệt Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia; xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại theo hình thức mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trở lên hoặc theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP và xác nhận đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài.
Việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến sẽ mang lại “lợi ích kép” cho cả doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý nhà nước. |
Đến nay, các tổ chức, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3 - 4 đối với 68 thủ tục thuộc 17 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương như: Công nghiệp nhẹ, hóa chất, nhượng quyền thương mại, dịch vụ thương mại, năng lượng, vật liệu nổ và công nghiệp, kiểm định an toàn kỹ thuật, khoa học công nghệ, công nghiệp nặng, điều tiết điện lực, thương mại điện tử...
Nhiều lợi ích
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - cho biết, việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như tiết kiệm thời gian, giảm chi phí (đi lại, chuyển phát hồ sơ, yêu cầu đăng ký kiểm tra, bổ sung hồ sơ...) do thông tin khai báo trên dịch vụ được công nhận có giá trị pháp lý như văn bản giấy. Mặt khác, sau khi khai báo, doanh nghiệp có thể theo dõi tiến trình, kết quả xử lý hồ sơ, đồng thời nhận được thông báo kết quả xử lý hồ sơ qua thư điện tử đã đăng ký. Qua đó, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong công việc.
Được biết, Bộ Công Thương đang quản lý 28/267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện; kiểm soát 130 dịch vụ hành chính công (tương đương với 447 thủ tục hành chính công từ cấp Trung ương đến cấp xã). Thực tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động cụ thể đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành và triển khai dịch vụ công trực tuyến với số lượng hồ sơ được xử lý trên môi trường mạng đạt khoảng 700.000 hồ sơ/năm.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Đặng Hồng Chuyên – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Á Châu - cho biết, đây là bước cải cách lớn về minh bạch thông tin của Bộ Công Thương, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong việc tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn tránh được tiêu cực, gây khó dễ ở một số bộ phận, cán bộ công chức. Quan trọng hơn, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư.