Bảo vệ môi trường ngành Công Thương thông qua sản xuất và tiêu dùng bền vững Bảo vệ môi trường nhìn từ góc độ ngành Công Thương |
Ông Vũ Ngọc Hưng- Trưởng phòng Bảo vệ môi trường Công Thương- Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Vuasanca xung quanh nội dung này!
Việt Nam đang phát triển nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được cùng với tăng trưởng kinh tế, chất lượng môi trường ngày càng suy giảm; ô nhiễm lan rộng, với nhiều “điểm nóng” về môi trường, nhất là các khu vực tập trung cho sản xuất công nghiệp. Theo ông những nguyên nhân chính nào dẫn đến thực trạng trên?
Ngày 29/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2022/NĐ-CP quy định Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong đó giao Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp là đơn vị đầu mối về triển khai công tác bảo vệ môi trường của Bộ Công Thương.
Ông Vũ Ngọc Hưng- Trưởng phòng Bảo vệ môi trường Công Thương- Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) |
Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù ngành Công Thương đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại cũng phát sinh nhiều vấn đề về môi trường cần được quan tâm giải quyết. Thời gian qua, xuất hiện nhiều "điểm nóng" về môi trường, nhất là các khu vực tập trung cho sản xuất công nghiệp và thương mại, một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến thực trạng trên cụ thế:
Thứ nhất, do hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường còn chồng chéo, bất cập tạo ra khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện. Do vậy, việc hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng giải quyết được các chồng chéo, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay là một trong các yêu cầu cấp bách.
Thứ hai, năng lực quản lý nhà nước về môi trường của doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Mô hình tổ chức cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường từ Trung ương xuống đến địa phương còn hạn chế về năng lực, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý đối với một số lĩnh vực lớn, phức tạp, nhạy cảm đang gia tăng hiện nay.
Thứ ba, công nghệ khai thác và chế biến lạc hậu; thiếu sự đầu tư phát triển cũng là một nguyên nhân quan trọng làm thất thoát, lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường.
Thứ tư, nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo vệ môi trường từ ngân sách nhà nước và vốn doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu cơ chế đột phá để huy động nguồn tài chính cho công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn hạn chế.
Thứ năm, nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cộng đồng nhiều nơi còn thấp, dẫn đến thiếu ý thức tự giác đầu tư, chú trọng cho công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở. Công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường trong và ngoài hệ thống giáo dục quốc gia chưa hiệu quả.
Trong những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực trong việc xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát các nguồn thải trong các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường như thép, nhiệt điện, hóa chất, khoáng sản, luyện kim... Ông có thể chia sẻ về những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn vừa qua?
Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, nỗ lực xử lý, từng bước kiểm soát các nguồn thải trong các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, Bộ đã ban hành và trình Thủ tướng Chính phủ nhiều văn bản, chính sách trong các lĩnh vực có liên quan nhằm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương, quản lý hồ chứa quặng đuôi, phát triển ngành công nghiệp môi trường, quản lý tro xỉ nhiệt điện, quản lý các nhiệm vụ môi trường ngành Công Thương, điển hình là: Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 8/9/2020 phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2025; Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 13/2/2017 phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025…
Gần đây nhất, ngày 22/8/2023, đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 22/8/2023 ban hành Danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường.
Các chính sách này đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như tăng cường hiệu quả thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực Công Thương.
Tập trung thực hiện công tác phòng ngừa, kiểm soát, xử lý và loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường: Thực hiện các quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương hiện đang rà soát, đánh giá khả năng, nhu cầu tái sử dụng, tái chế chất thải và các quy định, hướng dẫn về tái sử dụng, tái chế chất thải trong một số ngành công nghiệp phát sinh nhiều chất thải.
Trước đó, năm 2021, Bộ Công Thương đã hoàn thành điều tra, đánh giá nguồn phát sinh chất thải của các ngành: Hóa chất - phân bón, thép, nhiệt điện, thuộc da, sơn, giấy, gốm sứ - thủy tinh, nhựa, bia - rượu - nước giải khát. Đáng chú ý, ngành nhiệt điện than phát sinh khoảng 13 - 14 triệu tấn/năm tro xỉ; Ngành hóa chất phát sinh khoảng 0,8 - 1,2 triệu tấn/năm chất thải rắn công nghiệp; khoảng 10,1 triệu m3/năm nước thải công nghiệp; khoảng 21,8 - 25,2 tỷ m3/năm khí thải công nghiệp; khoảng 2.000 tấn/năm chất thải nguy hại; Ngành giấy phát sinh khoảng 75,9 - 83,3 nghìn tấn/năm chất thải rắn; 8,5 - 9,3 triệu m3/năm nước thải; 1,14 - 1,30 tỷ m3/năm khí thải công nghiệp; 12,9 - 34,6 nghìn tấn/năm chất thải nguy hại…
Trong năm 2022, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện công tác thống kê, kiểm soát các nguồn phát sinh chất thải và quản lý chất thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được giao theo Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương như: “Điều tra, đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn cả nước”; “Đánh giá nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và xây dựng Đề án quốc gia thiết lập hệ thống thu hồi, xử lý và tái chế tấm pin điện mặt trời thải bỏ”; “Xây dựng chính sách quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ở Việt Nam”.
Trong những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực trong việc xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát các nguồn thải |
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã triển khai các hoạt động nhằm quản lý hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tập trung đối với một số lĩnh vực môi trường được dư luận quan tâm cụ thể là Phòng ngừa và kiểm soát phát thải thủy ngân; Quản lý tro, xỉ, thạch cao trong các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón; Quản lý vận hành các hồ chứa quặng đuôi…
Đặc biệt công tác kiểm tra, giám sát về thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện than trong thời gian qua luôn được tiến hành sát sao, thường xuyên, kịp thời chỉ đạo để xử lý các vấn đề ô nhiễm phát sinh trong quá trình vận hành của nhà máy.
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ Công Thương về lĩnh vực bảo vệ môi trường, xin ông cho biết những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trước những thách thức, cơ hội phát triển kinh tế trong thời gian tới?
Để quản lý hiệu quả công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương, Bộ Công Thương luôn bám sát và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, phòng ngừa các sự cố, rủi ro môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành Công Thương.
Một số nhiệm vụ tập trung thực hiện thời gian tới, bao gồm: Tập trung phối hợp cùng các bộ/ngành, địa phương và các doanh nghiệp triển khai thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương.
Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được giao tại Luật bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật, bao gồm các nội dung về phát triển ngành công nghiệp môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy, phát triển kinh tế tuần hoàn và các nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động bảo vệ môi trường khác. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn trong quá trình triển khai.
Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đặc thù thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương như quản lý, tiêu thụ tro xỉ, thạch cao; quản lý vận hành các hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản...
Xây dựng kế hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường cho các đơn vị (các Sở Công Thương địa phương, các Tập đoàn,Tổng công ty, doanh nghiệp ngành Công Thương) để tăng cường hiệu quả quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Xin cảm ơn ông!