Bộ Công Thương phổ biến thông tin về một số hiệp định thương mại tại Nam Trung bộ
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chủ trì hội nghị |
Tham dự hội nghị có trên 200 đại biểu là lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên; Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính); Vụ Pháp chế (Bộ kế hoạch và Đầu tư); lãnh đạo các sở, ngành, các cán bộ quản lý, chủ các doanh nghiệp trong khu vực.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã giới thiệu tổng quan về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian gần đây. Thứ trưởng đã giải đáp những khúc mắc, trang bị cho các đại biểu tham dự hội nghị những kiến thức, hiểu biết nhất định về những tác động, diễn biến tích cực khi Việt Nam tham gia TPP… Cụ thể, các nội dung chính của Hiệp định TPP bao gồm: Thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, dệt may, dịch vụ và đầu tư, mua sắm của các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, thương mại và môi trường, thương mại và lao động…
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng khẳng định: Nếu được Quốc hội của cả 12 nước phê chuẩn, Hiệp định TPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do (FTA) lớn nhất từ trước đến nay, với tổng GDP lên tới 28.000 tỷ USD, chiếm 40% tổng GDP và khoảng 30% tổng thương mại toàn cầu. Thứ trưởng cũng cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các phương diện như song phương, khu vực, đa phương; các hiệp định mới có vai trò quan trọng đối với Việt Nam, hỗ trợ, đổi mới cơ cấu kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp…
Sau khi nêu rõ quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam - EU và Hoa Kỳ; phân tích toàn bộ quá trình và kết quả đàm phán TPP; quá trình và kết quả đàm phán FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Ấu; thách thức, cơ hội đối với Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đưa ra một số khuyến nghị với các doanh nghiệp như: chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và các nước đối tác, không chỉ các lĩnh vực truyền thống; thay đổi tư duy kinh doanh; chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn; chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu; nâng cao năng lực cạnh tranh…