Bộ Công Thương quan tâm đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong đó nêu rất rõ các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu: “ Phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực; đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình. Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực”.
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, để tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, ngày 20 tháng 01 năm 2018 Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ hướng đến đạt được Mục tiêu đề ra của Nghị quyết 11.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Công Thương do đồng chí Phó Bí thư ban cán sự đảng – Thứ trưởng làm trưởng ban để triển khai các hoạt động liên quan đến công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20 tháng 01 năm 2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị số 8/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt mà nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên trong ngành công thương về vai trò, vị trí của phụ nữ và công tác phụ nữ có nhiều chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, những kết quả đạt được thực sự mang lại những hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội; vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được khẳng định; bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội từng bước được bảo đảm.Các hoạt động hỗ trợ xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc văn minh được thực hiện khá toàn diện và mang lại hiệu quả thiết thực: Các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống, đạo đức, phẩm chất cho phụ nữ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương IV (khóa XII); Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII... công tác phối hợp hành động giữa chính quyền, các ban ngành đoàn thể với hội liên hiệp phụ nữ các cấp ngày càng hiệu quả, các hoạt động chăm lo, phát triển toàn diện cho phụ nữ, nhất là việc chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình phụ nữ ấm no, tiến bộ, hạnh phúc văn minh được quan tâm, chú trọng thực hiện.
Trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác cán bộ nữ từng bước được nâng cao: Ban cán sự đảng Bộ đã chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy chế, quy định về công tác cán bộ; chỉ đạo các cấp ủy đảng rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số thuộc diện Bộ quản lý, đồng thời chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí được quy hoạch gắn với luân chuyển, điều động cán bộ nữ để rèn luyện, đào tạo qua môi trường thực tiễn. Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, nhất là cán bộ chủ chốt được thực hiện nghiêm túc theo các quy định, chỉ đạo của Trung ương. Công chức, viên chức lãnh đạo được bổ nhiệm có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo đúng quy định. Đội ngũ công chức, viên chức sau khi được đào tạo có nhận thức chính trị vững vàng, hơn, hiệu quả công tác được nâng lên. Nữ công chức, viên chức được đề bạt, bổ nhiệm hầu hết phát huy tốt chức trách nhiệm vụ được giao.
Một số kết quả cụ thể:
- Về công tác đào tạo: Từ năm 2016 đến nay, số công chức được đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch: 517 người, trong đó nữ là 210 người đạt tỉ lệ 40,62%; đào tạo cao cấp lý luận chính trị: 236 người trong đó nữ 97 người đạt tỉ lệ: 41,1%; trung cấp lý luận chính trị: 210 người trong đó nữ 110 người đạt tỉ lệ: 52,38%; bồi dưỡng ngắn hạn tại nước ngoài: cử 682 lượt cán bộ, công chức đi bồi dưỡng ngắn hạn tại nước ngoài (trong đó nữ là 248 lượt, chiếm 36,36%)
- Về công tác quy hoạch: giai đoạn 2016-2021 và rà soát bổ sung quy hoạch đến nay: có 11 người được quy hoạch chức danh Thứ trưởng trong đó có 01 nữ, đạt tỉ lệ 9%; 227 lượt người được quy hoạch chức danh Vụ trưởng và tương đương, trong đó có 96 nữ đạt tỉ lệ: 42,29%; có 671 lượt người được quy hoạch chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương, trong đó 218 nữ đạt tỉ lệ: 32,49%
- Về công tác bổ nhiệm, bố trí, điều động, sắp xếp cán bộ lãnh đạo: có 237 lượt công chức, viên chức được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, bố trí sắp xếp ở các vị trí lãnh đạo, trong đó có 93 lượt người là nữ.
- Đội ngũ nữ công chức tại các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ đã phát huy năng lực, vai trò quản lý nhà nước, góp phần xây dựng nhiều chính sách và cơ chế quản lý của ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
- Đội ngũ cán bộ, viên chức nữ tại các viện, trường, trung tâm thuộc Bộ, người lao động tại các doanh nghiệp thuộc Bộ đã tích cực tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế có hiệu quả, xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới. Nhiều chị em là chủ nhiệm đề tài hoặc trực tiếp nghiên cứu các đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ đã được Hội đồng khoa học Nhà nước và Bộ đánh giá cao, được tặng nhiều giải thưởng khoa học,... Nhờ tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn, nên nhiều chị có kiến thức và năng lực chuyên môn và quản lý cao, không thua kém nam giới, nhờ đó các chị đã góp phần tích cực trong việc đổi mới cơ chế quản lý của các đơn vị sự nghiệp công, từng bước đưa quy mô và chất lượng hoạt động của các viện, trường trong ngành ngày một nâng cao.
Nhìn chung, với sự thay đổi về mặt nhận thức của toàn xã hội, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội từng bước được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho chị, em phụ nữ học tập, lao động, tham gia các hoạt động, tổ chức xã hội, từng bước khẳng định bản thân trong xã hội và đây cũng chính là một trong những mục đích mà Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư hướng đến và cũng là mong muốn đạt được của Bộ Công Thương./.