Đoàn công tác do Cục Công nghiệp chủ trì, kết hợp với đại diện Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam thực hiện tại một số doanh nghiệp da - giày trọng điểm trên địa bàn TP. Hà Nội
Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất
Chia sẻ khó khăn ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Hoá dệt Hà Tây - doanh nghiệp chuyên sản xuất giày vải xuất khẩu theo đơn đặt hàng sang thị trường châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… - cho biết, với hai dây chuyền công suất 120-150 nghìn đôi/tháng, hiện công ty chỉ còn đủ nguyên liệu dự trữ để sản xuất đến hết tháng 3/2020 và nếu không tìm kiếm được nguồn nguyên phụ liệu bổ sung thì sẽ phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của khoảng 600 công nhân và kèm theo đó là những hệ luỵ khó lường đối với doanh nghiệp trong dài hạn. Hơn thế, nguy cơ bị các đối tác mua hàng phạt hợp đồng, thậm chí huỷ đơn hàng dài hạn là rất cao.
Ông Nguyễn Thanh Tùng: Hiện công ty đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, vì vậy doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương |
Nguyên nhân của vấn đề này, ông Tùng cho biết, mặc dù công ty đã ký hợp đồng với các đối tác cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc và Đài Loan từ trước Tết Nguyên đán để chuẩn bị nguyên liệu cho sản xuất trong thời gian từ tháng 3, 4 trở đi. Tuy nhiên, tiến độ giao hàng bị chậm trễ. Mặc dù không nằm trong vùng dịch, nhưng các nhà sản xuất, cung cấp nguyên phụ liệu có kỳ nghỉ kéo dài (nghỉ Tết và nghỉ vì ảnh hưởng của dịch bệnh), một số nguyên phụ liệu đã được sản xuất thì do các hãng tầu biển, các công ty logistic chưa trở lại hoạt động bình thường nên cũng chưa thể giao hàng.
Đến thời điểm hiện tại, với những đơn hàng sử dụng 100% nguyên liệu trong nước, hoặc nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc thì không bị biến động và công ty đang tích cực triển khai. Tuy nhiên, với những đơn hàng sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc (có đơn hàng phải nhập khẩu đến 30% nguyên phụ liệu), để có nguồn nguyên liệu bổ sung, thay thế, công ty đã chủ động liên hệ và làm việc với nhiều đối tác trong nước cũng như một số quốc gia khác (Hàn Quốc, Ấn Độ...), song, đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi của các đối tác về khả năng đáp ứng yêu cầu đặt hàng của công ty.
Diễn biến tương tự tại Công ty Cổ phần Kết nối Châu Âu - doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ da cung ứng cho thị trường trong nước. Ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Công ty - cho biết, nguyên phụ liệu đồ da nhập khẩu chủ yếu từ Ý và Ấn Độ thì không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nguyên phụ liệu (50% nguyên phụ liệu vải, trên 90% phụ kiện kim loại) nhập khẩu từ Trung Quốc hiện doanh nghiệp còn tồn và chỉ có thể duy trì đến khoảng tháng 3/2020. Trong trường hợp diễn biến của dịch cúm còn kéo dài, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, tổng doanh thu của công ty có thể giảm khoảng 15 - 20% so với năm 2019. Bên cạnh đó, hàng loạt hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, khuếch trương thương hiệu của công ty cả trong và ngoài nước (thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương…) đã bị thay đổi kế hoạch, thậm chí bị đình hoãn, điều này gây ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Đoàn công tác của Bộ Công Thương, đại diện các doanh nghiệp mong muốn, trước mắt, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan cần tập trung nắm bắt, phân tích, đưa ra dự báo chính xác về diễn biến dịch, về nhu cầu và tình hình thị trường trong và ngoài nước để cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp.
Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp vẫn còn nguồn dự trữ nguyên liệu phục vụ sản xuất, tuy nhiên số lượng rất hạn chế nên sẽ gặp khó khăn nếu không sớm được bổ sung |
“Công ty chúng tôi đang tích cực tìm kiếm, chủ động đàm phán với các đối tác cung ứng nguyên liệu tại châu Âu, Ấn Độ… Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn nếu thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước” - ông Nguyễn Hữu Thành nói và đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tại các thị trường mới để trước mắt có đủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất và lâu dài thay thế, giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định nào đó.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tùng đề xuất thêm, Bộ Công Thương cần tiếp tục có những chính sách phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nói chung, công nghiệp phụ trợ cho ngành da - giày nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu tại chỗ và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Sẽ sớm có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cả trong ngắn và dài hạn
Tại các buổi làm việc, chia sẻ khó khăn của các doanh nghiệp, đại diện Cục Công nghiệp nhấn mạnh, dịch cúm nCoV không chỉ trực tiếp gây nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng của người dân mà còn tác động rất bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và giao thương của cộng đồng doanh nghiệp.
“Việc Trung Quốc và một số quốc gia, vùng lãnh thổ hạn chế giao thương, đi lại khiến hoạt động xuất, nhập khẩu gián đoạn, đình trệ”, dù chúng ta đã có nhiều giải pháp ứng phó, song diễn biến dịch rất phức tạp, khó định lượng chính xác những tác động đến hoạt động kinh tế”.
Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ với quan điểm nhất quán là phòng, chống dịch hiệu quả song vẫn phải đảm bảo ổn định thị trường, ổn định sản xuất, kinh doanh, nhất là hoạt động xuất - nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có báo cáo sơ bộ trình Chính phủ về nhóm các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, tập trung “khơi thông” đến mức cao nhất có thể luồng hàng hoá xuất và nhập khẩu nhằm đáp ứng nguồn nguyên, nhiên liệu phục vụ tiêu dùng và sản xuất trong nước, đồng thời giảm áp lực tồn đọng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Đại diện Cục Công nghiệp đánh giá cao nỗ lực và những giải pháp khắc phục khó khăn của các doanh nghiệp, đồng thời cam kết sẽ sớm báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nhất |
Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài tích cực tìm kiếm, kết nối với các đối tác nước ngoài với đối tác trong nước; các đơn vị chức năng của Bộ, phối hợp với các đơn vị liên quan, tích cực làm việc, trao đổi với doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, báo cáo lãnh đạo Bộ, xây dựng các phương án hỗ trợ doanh nghiệp trình Chính phủ xem xét, thông qua để triển khai thực hiện nhanh nhất.
Cùng với doanh nghiệp cả nước, các doanh nghiệp ngành da - giày cũng cần chủ động trong việc nắm bắt thông tin, nhất là những thông tin về cơ chế, chính sách, những thông tin liên quan đến thị trường trong và ngoài nước được các Bộ, ngành chính thức đưa ra để có phương án ứng phó hiệu quả của riêng mình. Đồng thời, doanh nghiệp có thể trực tiếp hoặc thông qua các hội, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng đưa ra những đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời điểm cao điểm của dịch nCoV và hậu dịch bệnh.
Về dài hạn, các cơ quan Bộ ngành sẽ nghiên cứu đưa ra những giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất để chủ động nguồn nguyên phụ liệu, dịch chuyển cơ cấu trong chuỗi sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.